Shopee Chạm để tắt
Lazada Chạm để tắt

60 TUỔI, ĐỜI NGƯỜI DÀI RỘNG - 2

Cập nhật lúc: 2024-11-14 15:13:11
Lượt xem: 913

2

 

Nhưng tôi cũng không biết đi đâu.

 

Bố mẹ đã mất, bạn bè thân thiết ai cũng có gia đình và việc bận rộn riêng.

 

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ xe, lần đầu tiên thấy lòng mình chùng xuống, sống đến năm mươi tám tuổi rồi, mà lại không có ai để bày tỏ nỗi niềm.

 

Khoảng nửa tiếng sau, điện thoại reo lần thứ ba.

 

“Vân Như, em vẫn chưa về nhà nấu cơm à?

 

“Lạc Lạc đói lả rồi, đang cáu kỉnh đây. Mạnh Tùng cũng sắp về, anh thì không biết nấu ăn, em định để cả nhà phải đợi thêm nửa tiếng nữa sao?

 

“Sao càng lớn tuổi càng không nên hồn vậy, rốt cuộc em đang ở đâu, nhà cửa cũng không lo nữa à?”

 

Giọng chuẩn phát thanh của Mạnh Chí Diệu vang lên từng chữ rõ ràng, xe buýt có ồn đến mấy tôi cũng nghe rất rõ.

 

Khi còn trẻ, tôi từng mê đắm giọng nói của ông ấy, đến mức ngay cả lúc cãi nhau cũng không giận nổi.

 

Giờ đây, lại thấy khó chịu vô cùng.

 

Hóa ra giọng nói hay đến mấy mà đang mắng người thì vẫn là đang mắng người.

 

Bao năm nay đeo kính hồng lọc yêu thương, nay bỗng chốc tan biến.

 

Không chút cảm xúc, tôi đáp lại ông ấy:

 

“Hai bố con cộng lại gần trăm tuổi rồi, không có tay không có chân à?

 

“Sao nào, nếu tôi c.h.ế.t rồi, hai người cũng định nhịn đói đến c.h.ế.t luôn hả?”

 

Đầu dây bên kia rõ ràng sững lại.

 

Chưa kịp nói thêm, tôi lại cúp máy.

 

Lần này ông ấy không gọi lại nữa.

 

Mạnh Chí Diệu có cái tính kiêu ngạo của một văn nhân. 

 

Chưa bao giờ cầu xin ai, cũng chẳng bao giờ chịu nhún nhường với tôi.

 

Đây đã là lần thứ hai tôi dập máy, sự tự tôn của ông ấy không cho phép mình cúi đầu trước.

 

Nhưng chỉ vài phút sau, con trai Mạnh Tùng lại gọi điện.

Hôm nay điện thoại của tôi đúng là nhộn nhịp.

 

“Mẹ à, mẹ lại định làm gì thế? Không đón Lạc Lạc, không nấu cơm, giờ còn cãi nhau với bố con.

 

“Bố con tức đến không muốn ăn cơm rồi, sống yên ổn không muốn, tuổi đã cao mà mẹ còn làm cái gì nữa chứ?”

 

Con vừa mới than phiền được hai câu, thì điện thoại bị con gái Mạnh Trúc giật lấy.

 

Vừa mở miệng, con bé cũng đầy oán trách.

 

“Phải đấy, mẹ ơi, dạo này mẹ cũng bắt đầu làm biếng rồi à? Trời đã tối mà vẫn chưa nấu cơm? Con đói lắm rồi.

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/index.php/60-tuoi-doi-nguoi-dai-rong/2.html.]

 

“Cả nhà con đều sang nhà mẹ ăn tối, bé Hy cứ đòi ăn thịt kho tàu bà ngoại nấu, mẹ về nhanh đi, không tối nay con bé lại khóc đấy.”

 

“……”

 

Tôi lại im lặng.

 

Ngày trước khi các con kết hôn và mua nhà, đều cố tình chọn khu gần nhà tôi, nói rằng không thể thiếu tôi.

 

Nhà con trai và con gái, trừ những dịp cuối tuần hay lễ lộc thì đi ăn nhà hàng, còn ngày thường cơ bản đều đến nhà tôi ăn cơm.

 

Cháu nội, cháu ngoại tôi đều thương như nhau, hai đứa từ bé đã được tôi chăm sóc cùng lúc, nhiều hôm mệt đến mức không đứng thẳng lên nổi.

 

Bình thường là tôi đón bé Hy ở mẫu giáo, rồi lại đến trường tiểu học đón Lạc Lạc, tiện thể mua đồ ăn về nấu cơm tối, để cả nhà đông vui quây quần ăn uống.

 

Mấy hôm nay bà nội bé Hy lên chơi, nên tôi không cần đón bé.

 

Nhưng lúc này, tôi không biết phải nói gì.

 

Là nên trách mình bình thường chăm lo cho các con quá chu đáo, hay trách mình không biết dạy dỗ, để nuôi ra một đám lười biếng thế này?

 

Một lúc sau, tôi đáp lời trong sự bực bội: “Mấy đứa tự ăn đi, tối nay mẹ không về nhà ăn cơm.”

 

Nói xong câu đó, tôi chuyển điện thoại sang chế độ máy bay.

 

Cuối cùng thế giới cũng yên tĩnh.

 

Không biết từ lúc nào, xe buýt đã chạy qua bến nhà tôi.

 

Trời dần tối, cảnh vật ngoài cửa sổ trở nên xa lạ, tôi cũng đã có chỗ ngồi.

 

Thật nực cười, chỉ vì một bữa cơm tối chưa kịp nấu mà ai nấy đều bày tỏ sự bực tức.

 

Vậy mà báo cáo chẩn đoán ung thư v.ú của tôi, vẫn để trên bàn trà trong phòng khách.

 

Ba ngày rồi.

 

Không một ai hỏi tôi một câu.

 

Mỗi ngày họ đều ngồi trên ghế sofa, chơi điện thoại, xem tivi, chơi game.

 

Ngay cả trái cây tôi thay mỗi ngày trên bàn trà, họ cũng biết tự lấy mà ăn.

 

Vậy tại sao, chẳng ai trong số họ liếc qua tờ phiếu khám sức khỏe bên cạnh đĩa trái cây?

 

Chỉ vì trên đó ghi tên tôi, nên bị tất cả mọi người tự động ngó lơ sao?

 

Giống như cuộc đời tôi kẹt trong căn nhà rộng hơn trăm mét vuông này, cống hiến suốt mấy chục năm, nhưng cuối cùng chẳng một ai nhìn thấy.

 

Các con thường hay nói: “Cả đời mẹ cưới bố là hưởng phúc, không phải ra ngoài làm việc, còn được làm vợ một lãnh đạo phòng văn hóa đáng kính.”

 

Người thân cũng hay than thở: “Nhà chị thật may, ông Mạnh đúng là công thần, một mình kiếm tiền nuôi cả nhà, còn nuôi dạy được hai đứa con thành đạt.”

 

Nghĩ đến đây, n.g.ự.c lại thấy đau âm ỉ, nước mắt lúc nào chẳng hay đã lăn dài trên má.

 

Tuổi già rồi, tôi sợ bị người ta chê cười, vội quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.

 

Loading...