Nhân Tình Thế Thái - 7
Cập nhật lúc: 2024-11-27 00:54:11
Lượt xem: 132
25.
Tôi nhìn mẹ tôi cẩn thận viết từng chữ trên tờ giấy cam kết.
Đó cũng là lúc tôi cắt đứt mối liên hệ cuối cùng với gia đình này.
Từ nay, tôi chỉ là Giang Văn Văn.
Tôi gấp tờ giấy lại, cẩn thận cất vào ví.
Tôi nhìn thấy Giang Chỉ Doanh, như thói quen, định khoác tay mẹ tôi nhưng bà né tránh.
Chị ta ngỡ ngàng, đôi mắt mở to đầy tổn thương:
"Mẹ, mẹ sao vậy?"
Mẹ tôi nhìn chị ta bằng ánh mắt thất vọng, rồi mệt mỏi nhắm mắt lại.
"Thôi thì con cũng đừng gọi tôi là mẹ nữa. Tôi coi như chưa từng sinh hai đứa con gái."
Giang Chỉ Doanh lập tức hét lên:
"Mẹ! Mẹ nói gì vậy! Không có con nhỏ kia, giờ con là đứa con duy nhất của mẹ!"
Tôi xoay người bước đi, rời khỏi cảnh tượng hỗn loạn này.
Những người và những chuyện ở đây, từ nay đã chẳng còn liên quan gì đến tôi nữa.
"Văn Văn."
Từ phía sau, giọng mẹ tôi vang lên.
Tôi khựng lại, rồi quay đầu nhìn.
Bà đưa tôi một chiếc ô.
"Bên ngoài mưa to lắm, đừng để bị ốm."
Thứ mà tôi từng khao khát, giờ đây lại xuất hiện ngay trước mặt.
Nhưng tôi thấy nó đến quá muộn, đến mức tôi chẳng còn muốn nữa.
Tôi nhẹ nhàng đẩy tay bà ra.
"Không cần đâu."
Trong khoảnh khắc đó, tôi nhìn thấy mái tóc bạc trên đầu bà.
Nhất Phiến Băng Tâm
Và bóng lưng hơi còng của bà.
26.
Bảy ngày trôi qua, cơn bão cuối cùng cũng rời đi.
Trời trong xanh, sáng như lụa.
Tôi mang toàn bộ chăn đệm ẩm mốc trong nhà ra phơi, để xua tan những bóng tối và mùi ẩm mốc.
Khi đang phơi chăn ngoài ban công, đột nhiên có thứ gì đó nhẹ nhàng rơi xuống đầu tôi.
Tôi đưa tay lên sờ, là một bông hồng đỏ đang nở rộ.
Ngẩng đầu nhìn lên, tôi thấy bà chủ nhà đang cười hiền hậu, ánh mắt đầy yêu thương.
Thấy tôi nhìn lên, bà vẫy tay như một đứa trẻ:
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/index.php/nhan-tinh-the-thai/7.html.]
"Lên đây đi, hôm nay bà làm sườn xào chua ngọt!"
Tôi cười từ tận đáy lòng, gật đầu thật mạnh.
"Vâng, con lên ngay đây!"
Sau vài lần ăn ké, bà tỏ vẻ không hài lòng:
"Sao lần nào cháu cũng chạy lên chạy xuống, không thấy phiền à? Bà nhìn còn mệt thay cháu đấy. Hay là, cháu đừng thuê dưới đó nữa, dọn hẳn lên đây ở với bà, hai bà cháu mình sống cùng nhau."
Tôi vội vàng xua tay, định từ chối nhưng bị bà chặn lại:
"Không cần cảm ơn bà. Là bà phải cảm ơn cháu. Coi như bà già này cầu xin cháu ở lại làm bạn với bà. Đừng chê bà, cháu chịu không?"
Đến mức này, tôi còn lý do gì để từ chối?
Tôi dọn dẹp sạch sẽ phòng dưới, thu xếp đồ đạc, chuyển vào căn hộ của bà.
Bà bận rộn sắp xếp, dọn dẹp giường chiếu của tôi hết lần này đến lần khác.
Khoảnh khắc đó, tôi mới hiểu.
Có thể gia đình tôi chưa từng yêu thương tôi, nhưng điều đó không quan trọng.
Vì trên thế giới này, vẫn sẽ có người coi tôi như báu vật.
Có người nhớ từng món ăn tôi thích, nhắc tôi mang ô mỗi khi trời mưa, và trân trọng từng bước tiến nhỏ bé của tôi.
Vẫn sẽ có người dành cho tôi tình yêu độc nhất vô nhị.
27.
Một tháng sau, tôi xuống căn hộ cũ để lấy đồ.
Không ngờ lại thấy một loạt các gói hàng bị vứt ở góc cửa, có cái đã phủ đầy bụi.
Tôi nhặt lên, thấy người nhận và địa chỉ đều là tôi.
Không biết là gì, tôi đành mang lên lầu mở thử.
Tôi ngồi trên sàn, mở từng gói một.
Bên trong là những món đồ đủ loại, từ giá trị nhỏ đến lớn, chẳng hề liên quan gì đến nhau.
Tôi gần như nghĩ rằng ai đó đang chơi khăm mình.
Cho đến khi một tấm thiệp rơi ra từ một chiếc hộp.
"Văn Văn.
Người già rồi trí nhớ không được tốt. Gần đây mẹ hay quên bữa tối ăn gì, nhưng lại luôn nhớ về lúc con còn nhỏ.
Sinh nhật của con và chị vốn là cùng ngày, nhưng dường như chúng ta chưa bao giờ mua quà cho con, cũng chưa từng có chiếc bánh sinh nhật nào.
Bây giờ con lớn rồi, có lẽ không còn thích đồ ngọt nữa. Nhưng mẹ đã chuẩn bị quà bù cho con, mong con vẫn thích.
Hôm đó con nói muốn cắt đứt với mẹ, mẹ vẫn mong rằng đó chỉ là lời nói trong lúc nóng giận.
Dù sao thì, con cũng là m.á.u mủ của mẹ.
Văn Văn, có lẽ mẹ đến hơi muộn, nhưng mẹ cũng yêu con."
Tôi mở từng hộp quà.
Là chiếc ti giả tôi ao ước năm hai tuổi, búp bê Barbie khi tôi sáu tuổi, cục tẩy điện mà tôi muốn năm mười tuổi, cây bút máy tôi thích năm mười bốn, và chiếc bàn phím mà tôi khao khát năm hai mươi tuổi…