Hạnh Đào - Chương 3
Cập nhật lúc: 2024-11-28 11:27:30
Lượt xem: 25
Sáng sớm hôm sau, Hạnh Đào tỉnh lại trong tiếng chửi bới của ông Chương.
Ngày nào cũng vậy, ông ta sẽ luôn tìm được lý do để mắng chửi, tệ hơn thì sẽ đập đồ, còn nếu tệ hơn nữa là một trong hai người, cô hoặc mẹ cô sẽ bị đánh.
Từ một năm trước, sau khi ông ta được thả ra từ trại cải tạo, tính khí càng thêm nóng nảy, nhưng thế này là ông ta đã tiết chế hơn trước rất nhiều rồi.
Tiết chế hơn ở đây là, ông ta đã biết e dè trước những lời đàm tiếu, sợ bị bắt đi cải tạo lần nữa.
Ông ta mắng chửi sẽ nhỏ tiếng hơn, có đánh đập vợ con cũng sẽ không đánh lên mặt và chân tay. Có thế, chỉ cần không đánh c.h.ế.t người thì cũng không ai nhận ra.
Hạnh Đào rón rén đi ra sau bếp, cố gắng thu nhỏ sự tồn tại của mình, rất sợ vô tình sẽ khiến cha cô ngứa mắt hoặc tức giận. Khi ấy, ông ta sẽ đánh mắng, hoặc bắt cô nghỉ buổi học hôm đó.
Một lúc sau, tiếng mắng nhiếc im bặt, kèm theo tiếng động cơ của chiếc xe Win cũ dần dần đi xa, cha cô đã ra công trường làm việc.
Chiếc xe Win đã quá cũ, tiếng động cơ đặc biệt chói tai.
Thế nhưng, Hạnh Đào nghe thấy loại âm thanh này lại cảm thấy nhẹ nhõm.
Thấy Hạnh Đào thập thò bước ra ngoài, bà Mai bới từ trong đống tro bếp ra một củ khoai rồi nhét vào tay cô. Sau đó, bà ra sau nhà tìm cuốc để đi ra đồng.
Bà ấy có vẻ như đã quá quen với cảnh này, sáng sớm nghe chửi mặt cũng không chút biến sắc.
Cũng có thể, bà ấy cảm thấy chỉ cần chồng không đánh mình, là ông ta đã rất tử tế rồi.
Hạnh Đào chưa ăn xong củ khoai thì thấy bác Thích lê thân hình béo tốt chạy đến. Không hiểu sao, ông Chương rất ghét người đàn bà này.
Nom cái vẻ, bác ta hẳn cũng canh lúc ông Chương đi khỏi mới dám ló ra, mặt mày hơn hở hỏi cô.
"Mẹ này đâu? Sáng sớm mà ăn khoai thôi hả? Không bảo mẹ mày mua phở cho mà ăn cho sướng."
Có vẻ như bác ta lại tìm được một mối ngon, nên hôm nay mới phá lệ nói chuyện với Hạnh Đào hẳn hai câu.
Hạnh Đào chỉ ra sau nhà.
"Mẹ cháu chuẩn bị ra đồng? Sao thế ạ?"
Bác Thích nhìn cô với ánh mắt khó hiểu, sau đó cũng không trả lời mà lướt qua cô chạy vọt ra ngoài tìm bà Mai.
Một lúc sau, từ sau nhà truyền ra tiếng thì thầm to nhỏ, kèm theo tiếng cười hi hí nghe rất vô duyên của bác Thích.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/hanh-dao/chuong-3.html.]
Hạnh Đào lắc đầu, tuy rất hứng thú với chuyện của hai người, nhưng biết sắp muộn giờ, cô ăn nhanh củ khoai rồi đeo chiếc cặp đã tróc mất một mảng da đến lớp.
Chiếc cặp này là bà Mai xin được từ một người họ hàng xa làm giáo viên, Hạnh Đào đã đeo được ba năm rồi.
Năm nay, Hạnh Đào lên lớp mười.
Có lẽ, điều may mắn nhất của cô trong suốt mười lăm năm qua là cô vẫn được đến lớp.
Một phần là nhờ công sức của các cán bộ xã, cùng các giáo viên chủ nhiệm của cô liên tục đến nhà làm công tác tư tưởng. Một phần lớn, Hạnh Đào nghĩ có lẽ là nhờ chú ba của cô.
Chú ba trong lời ông nội cô luôn là người rất giỏi giang, đã học xong ba năm cao đẳng nghề, đang làm kế toán cho một siêu thị lớn ở trong thị trấn. Ông ấy có hai cô con gái song sinh nhỏ hơn Hạnh Đào một tuổi, đều được chú cho đi học.
Bà nội cô mất sớm, ông nội lấy thêm người vợ nữa sinh ra chú ba.
Ông Chương xưa nay luôn ghét bà mẹ kế này, lại càng ganh đua với chú ba, thế nên dù không thích Hạnh Đào thì ông ta vẫn cho cô đến lớp, để không coi là thua kém chú ấy.
Ít nhất, trong tâm thức của ông ta luôn tự nói với mình như vậy.
Ông Chương trong một lần say khướt còn hùng hổ tuyên bố, sau này nếu Hạnh Đào có thể thi đỗ trong lần đầu thi đại học, thì ông ta sẽ cho cô đi học tiếp.
Hạnh Đào nghĩ, có lẽ cha cô nói những điều này khi có mặt của một cán bộ nào đó, có thể ông ta muốn thể hiện sự thay đổi của bản thân sau khi được mang đi cải tạo, rằng mình đã trở thành người cha có trách nhiệm.
Có vậy, cán bộ sẽ không đưa ông ta đi nữa.
Khi Hạnh Đào nghe được những lời này, cô lần đầu tiên không sợ hãi dùng đôi mắt lấp lánh nhìn cha. Đáp lại cô, ông ta nói.
"Nếu tao biết mày trai gái vớ vẩn mà thi không đỗ, tao sẽ bắt mày ở nhà lấy chồng cho rảnh nợ."
Sau lần ông ta đánh mẹ cô đến nỗi xảy mất cái thai, bà ấy không thể tiếp tục mang thai được nữa. Dù vậy, mỗi lần mắng chửi, ông ta đều nói Hạnh Đào - đứa con duy nhất của ông ta là của nợ.
Hạnh Đào nhìn cuộc sống của mẹ, nhìn lại hoàn cảnh của bản thân, cô rùng mình.
Trong tâm thức, cô cực kỳ bài xích hôn nhân.
Mỗi lần cô giáo đến nhà vận động đều sẽ nói, đi học sẽ thay đổi được rất nhiều thứ, sẽ giúp ích cho xã hội, sẽ thay đổi được tương lai, nói đến rất nhiều điều lớn lao, nhưng Đào chỉ nghe được một câu "đi học sẽ tạo ra cơ hội". Cô dùng lý do đó để cổ vũ cho mình.
Hạnh Đào sợ hãi cuộc sống hiện tại, cô muốn đi học tiếp, muốn giành lấy một cơ hội tự làm chủ cuộc đời mình.
Hạnh Đào luôn cầu mong những điều cha cô nói khi ấy là thật. Và cô, vẫn luôn từng ngày cố gắng.