VÌ LỌ SỐT ỚT, TÔI LY HÔN CHỒNG VÀ BỎ LẠI CON TRAI Ở TUỔI XẾ CHIỀU - 8 - HẾT
Cập nhật lúc: 2025-03-23 15:01:15
Lượt xem: 4,908
Giang Vĩ trừng mắt:
“Cô... cô mấy hôm không về nhà, ở đâu mà học ra cái kiểu này? Cô còn ra thể thống gì không?”
Anh ta lúc này mới nhìn kỹ tôi, nhận ra sự thay đổi.
Tôi mặc đồ mới, đổi kiểu tóc, trông trẻ trung hơn trước không ít.
“Cô đi chơi còn chưa đủ, còn tiêu xài phung phí, tôi kiếm tiền dễ lắm chắc? Tôi không cấm cô tiêu, nhưng tuổi này rồi còn ăn diện làm gì?”
“Cô định làm đẹp cho ai ngắm?”
Nói đến đây, mặt anh ta đột ngột sa sầm:
“Tôi biết mà, làm gì có chuyện ly hôn chỉ vì lọ sốt ớt. Cô có phải có người đàn ông khác rồi không?”
Tôi nhẹ nhàng đặt túi đồ xuống, tiến lên một bước.
Bốp!
Một cái tát giáng thẳng vào mặt anh ta.
“Giang Vĩ, cái tát này là vì anh bao năm nay luôn hạ thấp, mỉa mai tôi.”
Nhân lúc anh ta chưa kịp phản ứng, tôi lại giáng thêm cái nữa.
“Cái tát này, là vì anh đã bóp méo sự thật trước mặt con trai.”
Giang Vĩ ôm má, nghiến răng, hạ giọng quát:
“Đủ rồi đấy! Nơi đông người mà cô còn điên loạn thế này? Muốn người ta cười vào mặt à?”
Tôi thừa lúc anh ta nói, tát thêm phát nữa.
“Anh không phải vẫn hay đi rêu rao bên ngoài rằng tôi là người vợ ngang ngược, điên loạn sao? Vậy thì hôm nay tôi cho anh thấy thế nào là điên thật.”
“Tôi chính thức thông báo, ngày mai đi làm thủ tục ly hôn với tôi. Đừng giả chết, nếu không tôi sẽ đến đơn vị của anh tố cáo việc anh nhận quà trái phép.”
“Tự anh cân nhắc đi.”
Giang Vĩ nhìn chằm chằm tôi:
“Cô dám?”
Tôi cười khẩy:
“Cứ thử xem, xem tôi có dám không.”
Giang Vĩ bản chất là kẻ nhát gan.
Không thì anh ta đã chẳng lấy tôi làm cái cớ từ chối người khác bao nhiêu năm nay.
Thấy tôi thực sự quyết tâm ly hôn, cuối cùng anh ta cũng nghiến răng làm thủ tục.
Ra khỏi cục dân chính, anh ta còn bày đặt nói:
“Ly hôn có 30 ngày chờ đấy, cô hối hận lúc nào cũng có thể quay về. Tôi và con trai luôn đợi cô.”
Tôi bật cười:
“Cái ổ phân ấy để hai cha con các người tự hưởng đi, tôi không phụng bồi nữa.”
Tôi sắp nghỉ hưu, rảnh rỗi cũng chẳng biết làm gì, nên hay đến trạm cứu trợ động vật hoang dã mà Triệu Mẫn và mấy người bạn lập ra.
Là những con mèo con, chó con bị bỏ rơi hoặc đi lạc, thậm chí có cả hai chú nhím nhỏ.
Chỉ sau vài bữa cho ăn, lần nào chúng thấy tôi cũng vẫy đuôi, vui vẻ chạy lại.
Chúng không coi thường tôi, cũng không ngạo mạn mỉa mai tôi.
Tôi muốn ăn gì thì ăn, chẳng phải bận tâm đến khẩu vị người khác, cũng chẳng cần mỗi bữa cơm đều phải mang theo lọ sốt ớt.
Mấy cô gái còn thường xuyên chia sẻ với tôi những món ăn vặt mới lạ, thỉnh thoảng cũng kể tôi nghe chuyện hai cha con họ.
Tôi không có ở nhà, ngày tháng của họ đúng là “gà bay chó sủa”.
Mẹ của Triệu Mẫn rất nhanh nhạy tin tức.
Mẹ chồng tôi thích “sống ảo”, đặc biệt hay khoe trên mạng xã hội.
Giang Vĩ đưa bà đi ăn nhà hàng.
Giang Minh mua kẹp tóc tặng bà.
Nhưng chỉ sau hai ngày rưỡi mới mẻ, bà ta đã quay sang khoe phòng chơi mạt chược dưới lầu và khoe mình vừa ù được một ván 128 điểm.
Hai cha con họ đâu ngờ rằng, bà nội vào thành phố là để “hưởng thụ”, ngày ngày ngồi dài cổ chờ bà nấu cơm, dọn dẹp.
Nhưng bà thì cắm đầu vào sòng bài, làm gì còn nhớ đến cha con họ?
Giang Vĩ còn than phiền với mẹ Triệu Mẫn rằng hai cha con chỉ có thể ngồi ăn đồ ăn sẵn trong căn nhà bốc mùi hôi thối.
Anh ta lại tiếc tiền thuê người dọn vệ sinh, đành nhịn mà sống chung với mùi hôi đó.
Mẹ Triệu Mẫn thở dài với tôi:
“Giang Vĩ ấy à, cô nhìn nó lớn lên mà. Nó thật hồ đồ, bố nó ngày xưa đánh mẹ nó cũng vì mẹ nó mê bài bạc, cầm cố cả nhà lẫn đất.”
“Nếu bà ấy ở quê thì còn dễ quản, đều là người quen, chẳng ai cho bà ấy vay tiền. Nhưng vào thành phố rồi, chẳng khác nào hổ xuống núi.”
Mẹ chồng tôi tính tham lam không phải ngày một ngày hai, chỉ là bây giờ ai cũng dùng thẻ, chẳng ai dùng tiền mặt, tôi còn nghĩ bà ta định cờ b.ạ.c bằng gì.
Nhưng bà ta nhanh chóng cho chúng tôi câu trả lời.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/vi-lo-sot-ot-toi-ly-hon-chong-va-bo-lai-con-trai-o-tuoi-xe-chieu/8-het.html.]
Vài ngày sau, tôi đang nằm trong sân nhỏ, ôm mèo phơi nắng.
Triệu Mẫn hớn hở chạy vào:
“Dì Kiều, dì đoán xem bà mẹ chồng dì lấy cái gì để đánh bài?”
Chưa kịp để tôi đoán, cô ấy đã bật mí:
“Bà ấy đúng là tài năng! Bà đem bán hết giày thể thao và mô hình của cháu trai, mấy đôi giày mấy nghìn tệ bị bà bán rẻ có mấy trăm! Bà còn vay mượn hết lượt đám công nhân dưới quyền chồng dì!”
“Giờ nhà họ loạn như nồi cám lợn rồi!”
Mấy đôi giày thể thao và mô hình đó là bảo bối của Giang Minh.
Ngày trước, tôi luôn là người chăm chút cho chúng, nào là phun nano, nào là bọc màng chống bụi.
Tôi không cần đoán cũng biết tim Giang Minh đang rỉ máu.
Ừ thôi, coi như cậu ta nhận bài học đi.
Dù sao, đó cũng là “người thân ruột thịt” của nó cơ mà.
Tôi còn phải cảm ơn bà mẹ chồng cũ, chưa kịp xử lý Giang Vĩ thì bà ta đã “đánh phủ đầu” giúp tôi.
Lần này, Giang Vĩ đừng mơ yên ổn chờ nghỉ hưu nữa.
Cả đời già rồi, công việc cũng mất, không phải là bà mẹ tốt nhất “ban phước” cho anh ta còn gì.
Khác với cảnh hỗn loạn của họ, những ngày của tôi lại yên bình và hạnh phúc.
Tôi giúp Triệu Mẫn và các bạn cô ấy mở rộng trạm cứu trợ động vật, nhóm họ ai cũng quý mến tôi.
Những lúc rảnh rỗi, họ sẽ tới ngồi trò chuyện với tôi, còn kéo tôi đi học nhảy quảng trường.
Cả đám cô gái trẻ chẳng ngại chen vào giữa đám bà lão như chúng tôi.
Tôi biết, họ chỉ sợ tôi cô đơn mà buồn.
Nhưng thật ra tôi không sao cả.
Có lẽ là do kìm nén quá lâu, bây giờ được hít thở không khí tự do, tôi chỉ thấy khoan khoái.
Sự thoải mái ấy kéo dài cho đến một ngày, tôi tình cờ gặp lại cha con Giang Vĩ trên phố.
Giang Vĩ ánh mắt vô hồn, còn chảy dãi.
Giang Minh đang to tiếng trách móc anh ta:
“Bố không thể bớt làm loạn được à? Con nói bao lần rồi, đừng chạy lung tung, sao bố cứ không nhớ?”
“Ngày nào con cũng đủ thứ phiền phức! Đi học về là lại phải trông bố! Bố không thể để con đỡ mệt à?”
Giang Vĩ vẫn nhìn chằm chằm xuống đất, chẳng có phản ứng gì trước lời mắng mỏ của con trai.
Tôi nhìn họ một lúc, cũng không cảm thấy gì.
Nhưng chưa kịp quay đi, Giang Minh đã phát hiện ra tôi:
“Mẹ!”
Tôi dừng bước.
Giang Minh vứt luôn bố lại, chạy như bay đến, túm c.h.ặ.t t.a.y áo tôi:
“Mẹ, con biết lỗi rồi, mẹ tha thứ cho con đi.”
“Bà nội… bà già c.h.ế.t tiệt ấy giờ nằm liệt ở nhà. Còn làm nhà cửa tanh bành, lấy cả sổ đỏ đi cầm cố, bố mất luôn cả việc, còn đền tiền. Có kẻ nhân lúc lộn xộn đập vào đầu bố, giờ đầu óc bố ngốc rồi.”
“Mẹ, mẹ tha thứ cho con đi, hoặc mẹ cho con ở với mẹ cũng được. Giờ con biết giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, còn biết nấu ăn rồi.”
“Đúng rồi, sau này mẹ thích ăn sốt ớt, con sẽ đi mua cho mẹ! Mua hẳn mười lọ!”
Tôi gạt tay Giang Minh ra:
“Con có biết tại sao mẹ lại để tâm đến một lọ sốt ớt không?”
Giang Minh ngơ ngác:
“Chẳng phải vì mẹ thích ăn sao?”
Tôi lắc đầu:
“Vì trên cái bàn ăn đó, mãi mãi chỉ có những món hai bố con con thích.”
“Nhưng giờ thì, mẹ không cần nữa.”
Nói xong, tôi quay lưng đi, để lại Giang Minh đứng ngẩn ra.
Nó có hiểu lời tôi không cũng không quan trọng, vì tôi sẽ không còn phải nuốt nỗi lòng vào trong nữa.
Tôi đã bị những vai trò như con gái, vợ, mẹ trói buộc nửa đời người, nhưng từ nay, tôi là chính mình.
Dù tôi chẳng có thành tựu gì to lớn, chỉ là một bà già hết sức bình thường.
Nhưng nửa đời sau của tôi, vẫn có thể sống thật rực rỡ.
“Dì Kiều, nhanh lên, cái kẹp tóc này hợp với dì lắm!”
Tiếng gọi của Triệu Mẫn và mấy cô gái vang lên phía trước, tôi sải bước, tiến về phía tự do.
HẾT.