SAU KHI MẸ LY HÔN, BÀ TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐÀN BÀ CHUA NGOA NHẤT LÀNG - 6
Cập nhật lúc: 2025-03-18 17:36:25
Lượt xem: 2,770
Nhưng tôi, cũng không thể thốt nên lời.
Chiếc váy biểu diễn quá lòe loẹt, không thể mặc thường ngày.
Nó được treo gọn gàng trong tủ, hằng năm khi nắng hè gay gắt nhất, mẹ lại mang ra giặt giũ phơi phóng, miệng lẩm bẩm:
“Hồi đó mẹ nói rồi mà, chỉ mặc được một lần thôi…”
Buổi biểu diễn ấy đã thay đổi tôi, cũng thay đổi cả mẹ.
Bà nhận ra ở quê cày cấy chăm chỉ đến mấy cũng không thể đẻ ra trứng vàng.
Vùng chúng tôi nhiều tre, có ông chủ định mở xưởng sản xuất đồ tre.
Mẹ giục tôi thi vào trường tư thục ở huyện, còn bà đi xin việc ở xưởng tre.
Tôi hơi lo lắng.
“Huyện có bao nhiêu trường tốt, điểm con thế này có đỗ nổi không?”
Mẹ trừng mắt mắng tôi.
“Phải thử mới biết! Mẹ, Kim Dục Phân này không nuôi đồ vô dụng.”
Cả làng xôn xao.
“Nó nghĩ gì thế, thành tích của Bối Bối cũng có nổi bật gì đâu, mà đòi cho lên huyện học.”
“Lên huyện ăn ở tiêu xài, mỗi tháng mất đến hai ba trăm tệ, lấy đâu ra tiền?”
“Đúng là não hỏng rồi, nuôi con gái tốn kém thế, sau này cũng phải gả đi nhà khác.”
Bà nội thì cười ha hả:
“Nó mượn cớ cho Bối Bối học đại học để từ chối bao nhiêu lời mai mối rồi.”
“Tao bảo là nó vẫn chưa quên được thằng Thanh Sơn nhà tao.”
“Nó bảo cho Bối Bối lên huyện học, chẳng qua là muốn lên huyện tìm Thanh Sơn thôi.”
“Bối Bối đầu đất thế kia, trường huyện mà nhận nó, tao sẽ viết ngược tên tao!”
Bố tôi còn quá đáng hơn:
“Mẹ mày tính khí như hố xí thế, trừ phi gả cho thằng có bốn thằng con trai không ai lấy vợ nổi, chứ ai thèm lấy?”
“Bảo mẹ mày đừng có mơ chuyện quay lại với tao nữa.”
Bộ dạng tự mãn của ông ta khiến tôi suýt nôn hết cơm tối.
Tôi phải giành lấy chút thể diện này.
Không chỉ cho bản thân, mà còn vì mẹ.
Mẹ mua cho tôi rất nhiều sách bài tập.
Tôi dồn hết sức vào từng bài khó.
Nhưng thầy cô ở làng năng lực có hạn, có lúc tôi cầm bài hỏi mà thầy cô xoay mãi cũng đưa ra đáp án sai.
Con đường học hành vừa hẹp vừa nhiều gai góc, tôi buộc phải tự tìm lối đi.
Mẹ cũng đi xin việc ở xưởng tre.
Nhưng vì bà chưa học hết tiểu học, nên bị từ chối.
Tôi tưởng mẹ sẽ bỏ cuộc, nào ngờ bà mua cả đống sách về đặc tính và công dụng của tre.
“Dựa vào cái đầu gỗ của mày mà đợi tao hưởng phúc thì khó lắm, tao phải tự cố thôi.”
Buổi tối tôi làm bài, bà ngồi bên cạnh đọc sách.
Nhiều chữ bà không biết, vừa đọc vừa tra từ điển.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/sau-khi-me-ly-hon-ba-tro-thanh-nguoi-dan-ba-chua-ngoa-nhat-lang/6.html.]
Dân làng sau lưng cười nhạo mẹ.
“Muốn lên phố kiếm tiền thì đi rửa bát, quét đường, làm giúp việc.”
“Đi xin vào xưởng tre làm gì, ôm sách cả ngày.”
“Tiểu học còn chưa xong, đọc nổi không đấy?”
Bà nội mỉa mai cay độc:
“Đàn bà thì cứ an phận cày cấy, mơ tưởng hão huyền, may mà thằng Thanh Sơn nhà tao ly dị sớm.”
Hôm ấy là một ngày hè nóng bức.
Chiếc xe khách bảy chỗ chở nhồi nhét mười lăm người.
Tôi và mẹ cũng trên xe.
Tôi đi thi đầu vào trường THCS Nam Thành, mẹ thì lần nữa đi phỏng vấn ở xưởng tre.
Trước cổng trường, mẹ vỗ vai tôi:
“Họ nghĩ ta không làm được, ta nhất định phải làm cho họ sáng mắt!”
“Bối Bối, chúng ta không sợ!”
Quạt trần trong lớp quay vù vù, lòng bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi.
Lời châm chọc của bà nội và câu mẹ nói “không nuôi đồ vô dụng” vang vọng bên tai.
Tôi hít sâu, bắt đầu làm bài.
Mẹ ơi.
Kim Bối Bối này không phải đồ vô dụng!
Sau khi thi xong về làng, ngày nào cũng có bà cô này bà cô kia lên mặt dạy dỗ tôi.
“Lên huyện học tốn lắm, mày cũng đâu phải đứa giỏi nhất, phí tiền làm gì?”
“Mẹ mày một mình nuôi mày không dễ, ở thị trấn học xong cấp 2 đi làm kiếm tiền phụ mẹ mới phải.”
“Đúng đấy, khuyên mẹ mày kiếm chồng nữa, đẻ thêm thằng con trai sau này còn có người dưỡng già.”
Bà nội ngậm tăm tre xỉa răng, châm chọc:
“Mẹ mày đọc sách mãi chẳng ra trò trống gì, xưởng tre người ta cũng không thèm nhận.”
“Bọn mày cả đời làm nông dân quèn, còn mơ làm người phố như thằng Thanh Sơn nhà tao, nằm mơ giữa ban ngày.”
Tôi tức điên lên.
“Liên quan quái gì đến các người, tôi có ăn bát cơm nhà các người đâu!”
Đám bà cô lập tức xúm vào chỉ trích tôi hỗn láo, đúng lúc đó, mẹ vác cuốc xuất hiện.
Bà trừng mắt, lập tức mắng thẳng:
“Các người mới ăn phải phân à, miệng thối thế?”
“Các người thích mục rữa ở cái làng này là chuyện của các người.”
“Tôi thì phải đưa Bối Bối lên huyện, lên thành phố, sau này còn muốn cùng nó đi khắp thế giới.”
“Một lũ cóc ngồi đáy giếng, ngày ngày ồm ộp, còn cười người ta nỗ lực, thử soi gương xem bản thân đi.”
Bà chỉ vào bà nội:
“Bà còn dám nói Vương Thanh Sơn là người thành phố? Nó chỉ là thằng rể họ nhà bà thôi.”
“Sau này mà sinh con trai, con cũng không được mang họ Vương!”