SAU KHI MẸ LY HÔN, BÀ TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐÀN BÀ CHUA NGOA NHẤT LÀNG - 4
Cập nhật lúc: 2025-03-18 17:35:46
Lượt xem: 2,527
Những năm ấy, tôi sống dưới áp lực ngột ngạt của mẹ.
Bà rất bận.
Đi đào măng, trồng khoai, trồng lạc, trồng ngô, hái chè, nuôi heo, nuôi gà, trồng lúa, gặt lúa, lên núi đào thuốc bán...
Nhà không có đàn ông, việc gì mẹ cũng làm.
Dậy trước gà gáy, ngủ sau chó sủa.
Lũ bạn ganh tỵ vì tôi không phải làm nhiều việc đồng áng.
Nhưng tôi lại ghen tỵ vì tụi nó tan học là được rong chơi, còn tôi thì mãi không hết bài tập.
Làm sai còn bị đánh đòn.
Học đại học đối với tôi khi ấy là ảo mộng xa vời, là gánh nặng mẹ ép đặt lên vai tôi.
Tôi không thông minh, điểm số đứng top 3 lớp hoàn toàn nhờ bị ép học.
Để buộc tôi học, mẹ làm nhiều chuyện khiến tôi không thoải mái.
Mấy đứa học dốt đến rủ tôi chơi, bà đều mặt lạnh, hoặc bảo tôi không có nhà.
Nếu tôi chưa làm xong bài mà dám đi chơi, bà sẽ đi từng nhà tìm tôi về.
Bà còn mắng:
"Con gái tôi sau này phải đỗ đại học, đừng lôi kéo nó hư hỏng!"
Nhiều lần như thế, ai cũng xa lánh tôi.
"Kim Bối Bối là tương lai sinh viên đại học, khác bọn tao là lũ bùn lầy."
"Đi đi, chúng ta không xứng chơi với nó."
Tôi trở nên không có bạn.
Mẹ lại nói:
"Vậy càng tốt, con tập trung học hành."
"Muốn kết bạn cũng phải chọn đứa nào học giỏi hơn con."
Bà lặp đi lặp lại: Nếu không học hành tử tế, sau này phải sống mãi ở quê.
Nhưng tôi không giác ngộ, chỉ thấy ngột ngạt.
So ra, tôi thấy bố dễ chịu hơn.
Ông và dì không ép tôi học bài.
Huyện thành có nhiều chỗ vui chơi.
Công viên Đông Hồ có cầu trượt, xích đu, ô ăn quan miễn phí, đủ cho tôi chơi suốt ngày.
Bố còn bảo:
"Mẹ con điên rồi, con là con gái, học hết cấp hai đi làm hai năm rồi lấy chồng là xong, học đại học làm gì."
Dì cũng nói:
"Trẻ con phải chơi thỏa thích!"
Vì thế, tôi rất thích đến nhà bố.
Bước ngoặt xảy ra năm lớp sáu.
Huyện tổ chức văn nghệ chào đón thế kỷ mới.
Trường chọn vài tiết mục biểu diễn, tôi được làm nhóm trưởng.
Cần đồng phục biểu diễn, tôi năn nỉ mẹ mãi bà mới đồng ý.
Nhưng đến khi nộp tiền mua đồng phục, mẹ đổi ý:
"Năm mươi đồng? Áo làm bằng vàng à? Sao đắt thế!"
“Loại trang phục này chỉ mặc đúng một lần, quá lãng phí, con đi nói với cô giáo là không tham gia nữa.”
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/sau-khi-me-ly-hon-ba-tro-thanh-nguoi-dan-ba-chua-ngoa-nhat-lang/4.html.]
Tôi lo lắng đến mức gần khóc.
“Còn đúng một tuần nữa là biểu diễn rồi, không kịp tìm người thay đâu.”
“Mẹ đã hứa với con rồi, con biết mẹ có tiền, mấy hôm trước mẹ vừa bán 20 con gà mà…”
“Số tiền đó phải để dành cho con thi đại học, không được động vào dù chỉ một xu. Không diễn nữa, học sinh thì quan trọng nhất là học hành!”
…
Dù tôi van xin thế nào, mẹ cũng không chịu bỏ tiền.
Bà còn mắng tôi:
“Biểu diễn cái nỗi gì, mày định làm minh tinh chắc?”
“Nhìn lại mình đi, rồi nhìn cái nhà này, mày có xứng với giấc mơ đó không?”
Bà đập tan giấc mơ mong manh của tôi.
Tôi cũng dùng lời lẽ sắc bén làm mẹ tổn thương:
“Tại mẹ kéo con chịu khổ cùng mẹ, nếu con theo bố, chắc chắn ông ấy sẽ cho tiền.”
Khoảnh khắc đó, sắc mặt mẹ thay đổi.
Cơ thể bà căng chặt, tức giận nói:
“Cút, mày cút đi tìm ông ta!”
Bà đẩy tôi ra ngoài thật mạnh, “rầm” một tiếng đóng sầm cửa.
“Đồ vô ơn, cút ngay cho tao!”
Tiếc là lúc đó tôi cũng đang giận, không nhận ra giọng mẹ sau cánh cửa mỏng manh kia thực ra đang run rẩy.
Tôi chạy đến nhà chú Chu ở đầu làng, ông mỗi tối đều chạy xe ba bánh lên huyện.
Tôi lừa ông rằng mẹ bảo tôi lên thành tìm bố.
Tôi ôm hy vọng đến nhà bố.
Họ đang chuẩn bị ăn tối, bàn ăn đầy đủ món ngon, còn có một chiếc bánh sinh nhật chưa mở hộp.
Hóa ra là sinh nhật của con trai dì.
Chiếc bánh sinh nhật mà tôi chưa từng có, lại là thứ bố mua để lấy lòng con trai riêng.
Ông có thể mua bánh cho đứa con không ruột thịt, chắc cũng sẽ thương con ruột của mình chứ?
Tôi vừa sụt sịt vừa nói lý do đến.
Bố nhíu mày:
“Mẹ con nói đúng, chuyện này lãng phí tiền.”
Dì từ bếp bước ra, đưa tôi một tệ.
“Bối Bối, con đi mua cho dì gói muối ở cửa hàng bên kia đường nhé?”
Cửa hàng bên kia khá xa.
Tôi mua muối xong quay lại, cửa đã khóa.
Tôi gõ cửa mãi.
Tôi nghe bố hát bài chúc mừng sinh nhật, nghe tiếng cười vui vẻ khi Chu Thắng nhận quà.
Tôi nghe dì nói:
“Hôm nay nếu anh dám mở cửa cho nó vào khóc lóc phá không khí, sau này anh cũng đừng bước vào nhà này nữa.”
Trời.
Tôi hiểu ra thì đã quá muộn.
Hoặc có lẽ tôi luôn tự lừa mình.
Cánh cửa này, từ trước đến nay chưa từng chào đón tôi.