Nghe Lời Mẹ Dạy - Chương 1
Cập nhật lúc: 2024-12-21 17:19:41
Lượt xem: 1,458
Ký ức tuổi thơ tôi đầy công bằng.
Khi còn nhỏ, mỗi lần bố mẹ mua bánh, tôi và em trai đều được chia mỗi người một phần. Khi mua đồ chơi, chúng tôi cũng mỗi đứa một món, không ai bị thiên vị.
Tôi luôn tự hào vì mình lớn lên trong một gia đình công bằng, nơi bố mẹ đối xử với tôi và em trai như nhau.
Nhưng rồi, ngày ấy đã đến.
Gia đình mua một căn nhà mới và tên trên sổ đỏ là của em trai tôi – Tống Gia Hào. Lúc ấy, nó chỉ mới học cấp hai.
Mẹ tôi nói: “Con à, xã hội này khắc nghiệt với con trai hơn. Con gái không có nhà cũng không sao, nhưng con trai mà không có nhà thì không thể lấy vợ. Điều kiện nhà mình có hạn, nếu bố mẹ có tiền mua thêm căn nữa, nhất định sẽ để tên con.”
Tôi buồn mất mấy ngày, nhưng cuối cùng cũng tự thuyết phục mình chấp nhận.
Họ không phải không yêu tôi, mà chỉ là không đủ tiền.
Rồi đến khi tôi vào đại học, mẹ lại bảo kinh tế gia đình đang khó khăn.
Vậy là tôi vừa học vừa làm, cố gắng giành học bổng, làm thêm để giảm gánh nặng cho bố mẹ.
Nhưng trong những năm tháng đó, họ đã mua thêm căn thứ hai, rồi căn thứ ba. Tất cả đều để tên em trai tôi.
Mẹ tôi lại nói: “Xã hội đòi hỏi ở con trai nhiều áp lực hơn. Có thêm hai căn nhà cũng là cách để đảm bảo tương lai cho em trai con. Con là con gái, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.”
Lúc này, tôi chợt nhớ đến một từ mà tôi từng thấy trên mạng: “Trọng nam khinh nữ.”
Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ từ đó lại có liên hệ gì với gia đình mình.
Tôi cố nhớ lại những lời mẹ từng nói, cố gắng tìm ra điểm mâu thuẫn: “Mẹ nói nếu gia đình có khả năng thì sẽ mua cho con một căn nhà. Kết quả bây giờ, Tống Gia Hào đã có ba căn, vậy mà mẹ bảo không thiên vị. Nếu thiên vị thì cứ nói thẳng ra đi!”
Mẹ tôi bỗng nổi giận: “Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã khi nào để con thua thiệt ai chưa? Quần áo, đồ ăn vặt, hoa quả, có cái nào con thua em trai con không? Con là con gái, lại còn mua váy, kẹp tóc, tiền đổ vào con chẳng ít đâu!”
“Nếu chúng ta thật sự thiên vị, thì liệu con có được học đại học không? Ra ngoài mà xem, có bao nhiêu gia đình, con gái họ còn không được đi học! Bố mẹ đối xử như vậy mà còn nói không công bằng à?”
Em trai tôi, Tống Gia Hào, cũng bước ra thêm dầu vào lửa: “Chị à, đừng làm mẹ bực mình nữa. Tiền của bố mẹ, bố mẹ muốn cho ai thì cho, chị nên biết ơn vì đã được nuôi lớn. Thay vì nghĩ đến tài sản, hãy học cách hiếu thảo đi!”
Hai mẹ con họ phối hợp nhịp nhàng, đội chiếc “vương miện đạo đức” cao ngất, khiến tôi không biết phải đáp lại thế nào.
Nói gì cũng vô ích, cuối cùng cả nhà cãi nhau một trận to.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/nghe-loi-me-day/chuong-1.html.]
Tôi nhìn vào sợi dây chuyền vàng trong túi – món quà tôi đã dùng tháng lương đầu tiên sau khi đi làm để mua.
Tôi từng thấy mẹ đứng trước quầy hàng ngắm nó mãi, nhưng không nỡ mua.
Hôm nay, tôi định tặng mẹ món quà bất ngờ này. Nhưng giờ thì không cần nữa.
Tôi cầm sợi dây chuyền rời khỏi nhà, đến cửa hàng trả lại.
Sợi dây chuyền trị giá 15.800 tệ.
Sau khi nhận lại tiền hoàn, tôi ghé vào một cửa hàng thú cưng.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Và tôi đã mang về nhà một chú mèo Ragdoll.
Tôi mua cho chú mèo Ragdoll của mình thức ăn hạng sang, cát vệ sinh cao cấp, cùng mọi đồ dùng cần thiết.
Ngoài thời gian đi làm, tôi thường nấu ăn cho nó, chơi đùa cùng nó.
Mỗi tháng, tôi đều đưa nó đến bệnh viện thú y để tắm rửa và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Mẹ tôi nhìn thấy thì chỉ biết lắc đầu: “Đúng là rước thêm tổ tông về nhà, nuôi như thế này thì tốn bao nhiêu tiền chứ!”
Tôi ôm cục cưng lông xù của mình, nhướn mày tự hào: “Đây là con trai của con, tất nhiên phải nuôi cho thật tốt rồi.”
Có lần, mẹ tôi ra ngoài và bảo tôi nấu cơm cho em trai.
Tôi nói mình không có thời gian.
Khi mẹ về, em trai đang ăn mì gói, còn tôi thì bận làm chả cá hồi cho mèo.
Bà giận dữ nhìn tôi: “Cái này mà gọi là không có thời gian à?”
Tôi cúi xuống, tiếp tục cắt cá, rồi thản nhiên đáp: “Con trai ai người đó chăm. Mẹ thì chăm con trai mẹ tốt rồi, mẹ muốn con bỏ đói con trai của con sao?”
Mẹ tôi trừng mắt nhìn, tức đến mức nửa ngày không thốt ra lời.
Nhưng có một điều bà quên mất: em trai tôi chỉ nhỏ hơn tôi một tuổi, cả hai đều là người trưởng thành. Tại sao nó không tự nấu ăn được?
Theo lời mẹ tôi, con trai thường vụng về, không biết làm việc nhà, nên tôi phải chăm sóc cho nó.
Nhưng mà, tại sao chứ?