Cuộc chiến bảo vệ gia đình của cô con gái - Chương 2
Cập nhật lúc: 2024-08-09 22:33:36
Lượt xem: 451
2
Nhà dì cả chỉ cách nhà tôi một con phố, khi tôi gõ cửa nhà dì, dì có chút ngạc nhiên.
"Viện Viện về rồi à. Ô, sao con lại khóc thế?"
Tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện cho dì nghe, dì nhìn khung ảnh bị vỡ, rất giận dữ: "Hóa ra là ả đàn bà đó đang gây chia rẽ."
Trước khi quen dì Lưu, bố tôi và họ hàng bên mẹ vẫn giữ liên lạc.
Vào những dịp lễ tết, chúng tôi hay ăn uống cùng nhau, cuối tuần hẹn nhau uống trà, câu cá, luôn vui vẻ. Nhưng từ năm nay, bố tôi "không gọi được" nữa, hẹn ông ra ngoài chơi, ông đều viện cớ có việc. Lâu dần, các cậu và dì cũng không gọi ông nữa.
Dì cả trách móc bố tôi một hồi, im lặng một lúc, rồi đột nhiên hỏi: "Viện Viện, bố con và cô ta đã đăng ký kết hôn chưa?"
Tôi ngạc nhiên: "Con không biết..."
Dì trầm ngâm rồi quyết định: "Chuyện này lẽ ra nên để bà nội hoặc bà ngoại con nói với con, nhưng các cụ già rồi, tránh cho các cụ lo lắng thêm. Để dì nói!"
"Viện Viện, bố mẹ con trước đây tích lũy được không ít tài sản, trong đó có phần của bố con và cả của mẹ con. Tính kỹ mà xem, bố con làm công chức bao nhiêu năm, tích góp được bao nhiêu? Phần lớn là do mẹ con nghỉ việc ra làm ăn mà có. Dì không có ý kiến gì về việc dì Lưu ở cùng bố con, nhưng nếu cô ta dòm ngó tài sản mẹ con để lại thì không được! Những gì em gái dì để lại là cho con, không phải cho ả đàn bà lẳng lơ đó!"
Tôi mơ hồ nhìn dì: "Dì Lưu... sẽ làm như vậy sao?"
Nhưng trong đầu tôi chợt vang lên một giọng nói khác, là giọng của dì Lưu. Trước đó bà ta nói gì nhỉ? Nói muốn dành dụm của hồi môn cho Trương Nhã, để nó nở mày nở mặt về nhà chồng.
Dì xoa đầu tôi, nhẹ giọng nói: "Viện Viện, dì cũng như con, mong là mình chỉ đang nghĩ nhiều mà thôi. Nhưng con phải biết, sống trên đời không được có lòng hại người, nhưng cũng không thể không có lòng đề phòng lòng người."
Tôi chần chừ nói: "Khi mẹ con bị bệnh, mẹ đã chuyển nhượng ngôi nhà của mẹ cho con rồi. Dù dì Lưu có quá đáng thế nào cũng không thể động vào tài sản của con."
Dì cả vuốt ve khung ảnh, hồi lâu mới nói nhỏ: "Mẹ con là người thông minh nhất trong số anh chị em các dì. Nó biết là con người sẽ thay đổi, cả tình cảm cũng có thể biến chuyển. Vì mẹ con đã tính toán cho con rồi nên dì không còn lo lắng. Tối nay đừng về nhà, để bố con suy nghĩ xem ông ấy đã làm đúng không. Con ăn trái cây đi, dì đi trải giường cho con."
Điện thoại reo, bố gọi cho tôi.
"Viện Viện, con đang ở đâu?"
"Con ở nhà dì cả."
Tôi đoán ông sẽ xin lỗi tôi, hoặc ít nhất cũng sẽ bảo tôi quay về nhà. Nhưng ông ngập ngừng một lúc rồi nói: "Con ở nhà dì cả một đêm, mai về sớm xin lỗi dì Lưu đi."
Tôi nghĩ mình nghe nhầm, khó tin hỏi: "Bố nói gì cơ?"
Ông hạ giọng: "Hôm nay con quá đáng lắm. Dì Lưu phải về sớm mở cửa cho con, bị sếp phát hiện chắc sẽ bị phê bình. Con không những không biết ơn mà còn la hét với dì ấy, con không nên xin lỗi dì ấy sao?"
Tôi lạnh lùng nói: "Dì ta về sớm là để đón con gái dì ta, con đã đợi dì ta hai tiếng ở cửa mà không thấy đâu. Còn về cái việc la hét mà bố nói ấy, dì ta không nói với bố à? Dì ta làm vỡ khung ảnh của mẹ lại còn động vào thư từ riêng của con. Nếu dì Lưu hiểu lý lẽ như vậy thì trước tiên bảo dì ta xin lỗi con đi!"
Nói xong, tôi cúp máy.
Rất tức giận, cực kỳ tức giận!
Nói mạnh mồm là vậy, nhưng không thể cứ ở mãi nhà dì cả. Cho dù dì không phiền, tôi cũng không thể dâng căn nhà lên cho hai mẹ con kia!
Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị quay về nhà để tranh luận với họ thì nhận được tin nhắn từ thầy hướng dẫn: "Viện Viện, em chạy giúp thầy vài số liệu này, ngày kia nộp cho thầy nhé."
Người làm nghiên cứu khoa học đúng là nhỏ bé tầm thường.
Đào Hố Không Lấp team
Thấy tin nhắn của thầy, tôi đành chấp nhận số phận, xách vali về trường rồi vào phòng thí nghiệm chạy số liệu.
Trong thời gian đó, bố tôi thật sự không hề gọi một cuộc điện thoại nào cho tôi.
Ngược lại, dì cả hỏi tôi đã đến trường chưa? Tiền sinh hoạt đủ không? Có ăn uống đầy đủ không?
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/index.php/cuoc-chien-bao-ve-gia-dinh-cua-co-con-gai/chuong-2.html.]
Có lẽ tôi nên cảm ơn mấy nhiệm vụ nghiên cứu nặng nhọc này, nếu không có chúng lấp đầy cuộc sống của tôi, có lẽ tôi sẽ lạnh lòng hết lần này đến lần khác: Có mẹ kế rồi, cha ruột cũng biến thành cha dượng.
Lần tiếp theo nhận được cuộc gọi video của bố là vào mùa đông.
Ông hỏi thăm vài câu: "Viện Viện, con có cần bố gửi áo khoác lông vũ sang không?"
Nếu mong chờ bố gửi sang, có lẽ con đã c.h.ế.t cóng rồi.
Tôi không nói gì, nhưng chú ý thấy cửa nhà phía sau ông mở ra, có một người bước vào.
Là Trương Nhã, nó mặc chiếc áo khoác lông vũ mà mẹ mua cho tôi!
Vì đó là chiếc áo cuối cùng mẹ mua cho tôi, tôi không nỡ mặc, luôn cất trong tủ quần áo.
Tôi như phát điên lên, hỏi bố: "Trương Nhã đang mặc gì vậy? Có phải lấy từ tủ quần áo của con không?"
Bố tôi vừa điều chỉnh góc quay của video, vừa đeo tai nghe: "Không phải, con nhìn nhầm rồi, đó là áo mới bố mua cho nó."
Làm sao tôi nhìn nhầm được! Chiếc áo đó vừa vặn với tôi, nhưng lại quá lớn với Trương Nhã, ai lại đi mua áo mới mà lớn hơn hẳn một cỡ?
Ngoài khung hình, tôi nắm chặt tay. Bố tôi chuyển chủ đề: "Viện Viện, trước khi mẹ con qua đời, bà ấy để lại cho con một thẻ ngân hàng, trong đó có bao nhiêu tiền?"
Nếu là trước đây, tôi chắc chắn sẽ nói ngay, nhưng bây giờ tôi đã cảnh giác với ông: "Bố hỏi làm gì?"
"Bố muốn mua một căn nhà." Ông cười gượng: "Ở phía tây thành phố vừa mở bán một khu, vị trí tốt, lại là khu trường học, sau này chắc chắn sẽ tăng giá. Con giúp bố góp tiền đặt cọc, sau này bố sẽ trả lại con."
"Đến tiền đặt cọc bố cũng không có sao?" Tôi không tin: "Thế còn tiền đổi xe của bố đâu?"
Bố đứng lên, trông như đang đi ra ban công, còn kéo cửa kính lại, trông rất cẩn thận. Camera lia thoáng qua, tôi chợt thấy tóc ông đã bạc rồi.
Giữa cơn giận dữ, nỗi buồn lại dâng lên.
Ở trong nhà mình mà cũng phải lén lút gọi điện, những ngày tôi không ở nhà, chắc ông cũng không dễ chịu gì.
"Viện Viện, chuyện này con đừng nói với ai khác. Em trai của dì Lưu trước đây nhận thầu công trình, bị chủ thầu lừa mất rất nhiều tiền. Tiền lương công nhân cũng không trả được, họ kéo đến tận nhà tìm. Dì Lưu không ngủ được cả đêm, cầu xin bố cho mượn tiền để cứu nguy. Con nói xem, tiền này bố có thể không cho mượn không?"
Tôi ngắt lời ông: "Bố đã cho mượn bao nhiêu?"
Ông tránh ánh mắt của tôi: "660 triệu."
Tôi lại hỏi: “Ông ta có viết giấy nợ không?"
"Đều là người trong nhà, nói đến chuyện này thì tổn thương tình cảm quá."
Tôi tức đến mức phải bật cười.
Ở thành phố nhỏ hạng mười tám này, 660 triệu có thể nói là lương ba, bốn năm của rất nhiều người. Số tiền lớn như vậy cho mượn mà không có giấy nợ, chẳng khác nào cho không?
"Bố có tiền cho mượn nhưng không có tiền mua nhà? Nếu đã không có tiền, sao bố còn muốn mua nhà?"
Ông thở dài: "Viện Viện, bố muốn có một đứa con trai."
Tôi vẫn chưa hết giận, không hiểu logic này có liên quan gì, bèn hỏi lại: "Vậy thì sao?"
"Dì Lưu nói, không có cái gì đảm bảo thì dì ấy không dám sinh con. Một căn nhà có tên dì ấy mới là đảm bảo." Ông nói.
Ánh hoàng hôn ngoài cửa sổ chiếu lên gương mặt đầy nếp nhăn của bố tôi, khiến tôi cảm thấy ông thật xa lạ.
Hồi lâu sau, tôi mới tìm lại được giọng nói của mình: "Bố đã hơn 50 tuổi rồi, còn muốn sinh con trai, nhà mình có ngai vàng cần truyền lại sao?"