Bất Hối - Chương 3
Cập nhật lúc: 2024-08-23 13:33:51
Lượt xem: 3,981
Bách Nhi vừa lau nước mắt, vừa tức giận nhìn ta:
"Tại sao mẫu thân của con lại là người? Tại sao mẫu thân của con không phải là tiên nữ tỷ tỷ?"
Lời nói của Bách Nhi khiến Mạnh Hạc Thư, đang đứng ngoài cửa, cũng sững sờ, ánh mắt hắn thoáng chút buồn bã. Trái tim ta như bị ai đó khoét đi một mảnh.
Ngày ta mang thai Bách Nhi, thật sự rất vất vả, vì vị trí ngôi thai không đúng, ta đã phải chịu đau suốt một ngày đêm mới sinh được con ra. Mỗi khi Bách Nhi nghịch ngợm, Mạnh Hạc Thư lại nói với con:
"Mẫu thân của con đã phải trải qua bao nhiêu đau đớn để sinh con ra."
Bách Nhi lúc nào cũng hốt hoảng dùng tay che miệng Mạnh Hạc Thư lại, rồi chỉ vào n.g.ự.c mình:
"Cha đừng nói nữa, mẫu thân đau, Bách Nhi ở đây cũng đau lắm!"
Ngày hôm sau là sinh nhật của ta. Ta đã chuẩn bị một bàn đầy món ăn mà Mạnh Hạc Thư thích, rồi còn đi mua loại bánh mà Bách Nhi muốn ăn. Đợi đến khi trời tối, những món ăn trong bếp đã hâm nóng đến ba lần, Mạnh Hạc Thư mới đưa Bách Nhi trở về.
Ta thấy chiếc trâm bạc mà Bách Nhi định tặng cho ta lại đang cài trên tóc của Ngọc Già. Mạnh Hạc Thư khi nhìn thấy ánh mắt ta dừng lại trên chiếc trâm, mới chợt nhớ ra hôm nay là sinh nhật ta.
Hắn vội vàng giải thích rằng vì Ngọc Già buồn bã, họ mới đưa nàng ấy ra ngoài dạo chơi suốt cả ngày. Chiếc trâm này là Bách Nhi đùa giỡn cài lên tóc Ngọc Già, chứ không phải định tặng cho nàng ấy.
Ngọc Già xoa đầu Bách Nhi:
"Bách Nhi ngoan, đem trâm này tặng lại cho mẫu thân, có được không?"
Bách Nhi trốn sau lưng Ngọc Già, miệng bĩu ra rồi bật khóc nức nở:
"Tại sao phải tặng cho mẫu thân? Mẫu thân đeo chiếc trâm này đâu có đẹp bằng tiên nữ tỷ tỷ!"
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/index.php/bat-hoi/chuong-3.html.]
Mạnh Hạc Thư cau mặt, nghiêm khắc quở trách Bách Nhi, còn Ngọc Già thì như một người mẫu thân hiền đang che chở cho đứa trẻ.
Không hiểu vì sao, ta cảm thấy mình như trở thành một người xấu xa và thừa thãi. Những món ăn trong bếp đã nguội lạnh, ta chẳng còn tâm trí, cũng chẳng còn khẩu vị để hâm nóng lại.
Ta tự nấu cho mình một bát mì. Có lẽ vì khóc quá nhiều, nước mắt và nước mì hòa làm một. Một bát mì mặn đắng khiến ta cảm thấy cuộc sống này thật khổ sở.
...
"Nhất định phải sống thật tốt, A Kiều cô nương!"
Xuống thuyền, Xuân Sinh chắp tay lại, hướng về phía ta mà gọi. Ta đứng tại bến đò, quay lại vẫy tay chào người lái thuyền. Ta định đếm xem còn bao nhiêu tiền đủ để ta có chỗ nương thân. Chợt phát hiện ra hai mảnh bạc vụn mà ta đã đưa cho Xuân Sinh không biết từ lúc nào lại được ông ấy đặt dưới đáy giỏ tre. Thuyền đã rời bến, ta không đuổi kịp.
Thôi đành để lần sau trả lại cho ông ấy vậy.
Ta đã tìm kiếm công việc ở các tửu lâu trong ba ngày tại Thanh Châu, nhưng nơi thì không thiếu người, nơi thì ép giá công việc xuống thấp. Cuối cùng, cũng có một nơi đồng ý cho ta thử việc, họ nói sẽ để ta thử tài nấu nướng trong ba ngày.
Không biết thực khách ở đâu mà ăn khỏe như vậy, chỉ riêng nấu cơm đã đủ cho Mạnh gia dùng trong nửa năm. Ta không dám lơ là, bận rộn đến nỗi chân tay như xoay tít. Mỗi lần vị chưởng quỹ có bộ râu nhỏ bước đến, ông ta đều cười mỉm và gật đầu. Ta nghĩ rằng mình đã vượt qua thử thách.
Ai ngờ đến ngày thứ ba, vị chưởng quỹ kia lật mặt không nhận người, ném ta cùng hành lý ra ngoài cửa:
"Tay nghề của cô nương không tốt, khách ăn xong đau bụng, chúng ta còn phải bồi thường một đống bạc nữa!"
Dù có ngốc, ta cũng biết mình đã bị lừa. Ta không khóc, chỉ lau khô nước mắt, nhặt hành lý lên rồi phủi bụi trên đó.
Đến ngày thứ năm, tiền trong người đã cạn kiệt, ta đứng trước cửa hiệu cầm đồ, định cầm chiếc trâm bạc. Lúc ấy, có một thiếu niên trông như thư sinh gọi ta:
"Cô nương, xin dừng bước."