HOA SONG SINH - 3
Cập nhật lúc: 2025-01-07 12:01:14
Lượt xem: 221
Khi ấy, nhà chưa có điện thoại cố định, chúng tôi đến nhà trưởng thôn để gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm của chị.
Tôi áp tai sát ống nghe, nghe thấy giáo viên nói:
"Châu Vân, em đỗ rồi, vượt điểm chuẩn chín điểm. Chúc mừng em!"
Khoảnh khắc đó, tôi hét lên, nhảy cẫng lên vì vui sướng.
Chị cũng rơi nước mắt:
"Tuyệt quá, chị thật sự đỗ rồi."
"Phần nghe tiếng Anh chị toàn khoanh bừa, cứ tưởng lần này chắc chắn không đỗ..."
Chúng tôi chìm trong niềm vui khôn xiết, thì bà Triệu hối hả chạy đến, gấp gáp cắt ngang:
"Sao mấy đứa còn ở đây? Bố các cháu xảy ra chuyện rồi!"
04
🍊 Quéo còm các bác ghé nhà Xoăn 🤗 🍊 🤟
🍊 Nếu được, các bác đọc xong cho Xoăn xin vài dòng ”còm” review nhé ạ 🫶
🍊 Follow Fanpage FB "Xoăn dịch truyện" để nhận thông tin lên truyện nhà Xoăn nhé ạ ^^
Bố đã đánh chú Trương chảy m.á.u đầu.
Nhà chú Trương xây xong nhà mới, nhờ bố tôi đến làm nội thất.
Hôm đó buổi chiều còn phải làm việc, nhưng buổi trưa bố vẫn uống nửa lít rượu trắng với chú Trương.
Không ngờ sau khi uống rượu, hai người lại tranh cãi về kiểu dáng của ghế sofa.
Càng cãi càng gay gắt, chú Trương đẩy bố một cái, nói:
"Đây là sofa nhà tôi dùng, tôi bỏ tiền thuê anh, tôi là chủ, anh phải nghe tôi."
Bố cho rằng chú Trương xem thường mình, tức giận cầm ngay cái bào gỗ đập lên đầu chú.
Máu chảy đầy mặt chú Trương, chú được đưa vào bệnh viện ngay sau đó.
Hồi ấy chưa có bảo hiểm y tế, với dân nông thôn, vào viện chẳng khác gì bị lột da.
Cô Trương tức đến phát điên, dọa sẽ báo công an để bố tôi phải đi tù.
Mẹ tôi vừa khóc vừa van xin cô nể tình làng xóm, nghĩ đến ba chị em tôi mà bỏ qua lần này.
Tiền thuốc men và bồi dưỡng, mẹ hứa sẽ gánh vác toàn bộ.
Mẹ vét hết chút tiền dành dụm ít ỏi trong nhà, rồi chạy vạy khắp nơi vay mượn.
Cả thời gian đó, bố tôi chỉ ngồi bên cạnh, mặt hầm hầm, giọng đầy bất mãn:
"Hắn mà là chủ gì chứ.
"Hồi bé còn chạy theo đuôi tôi để tranh củ khoai. Giờ đi làm công kiếm được tí tiền, cái đuôi cũng vểnh lên tận trời.
"Chẳng qua là hắn xây được cái nhà mới, dựa vào đâu mà xem thường tôi!"
*
Những ngày đó, cả nhà chìm trong lo lắng.
Dù trời giữa mùa hè nóng bức, bàn tay chị tôi vẫn lạnh như băng.
Ông nội mắng chúng tôi:
"Tại nuôi hai đứa nợ đời như tụi mày, bố tụi mày mới phải chịu đựng cảnh này."
May mà trong cái rủi có cái may, chú Trương không bị thương nặng.
Ba ngày sau, chú được xuất viện.
*
Tôi đã nhịn không được nữa, tối hôm ấy vội vàng báo tin chị đỗ vào trường cấp ba số 1 với bố mẹ.
Khi ấy, tôi còn quá nhỏ.
Không đủ nhận thức về sự khắc nghiệt của thực tế. Tôi cứ ngây thơ nghĩ rằng chị giỏi như vậy, bố mẹ nhất định sẽ vui mừng.
Ánh sáng từ bóng đèn sợi đốt 15 watt chẳng sáng hơn nến là mấy.
Bố tôi uống rượu, không nói gì.
Mẹ nặn ra một nụ cười, vỗ vai chị:
"Tốt, tốt lắm! Vân Vân, con thật giỏi."
Nói xong, mẹ quay đầu lau khóe mắt, giọng nghẹn ngào:
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/hoa-song-sinh-rbwp/3.html.]
"Bố con vừa xảy ra chuyện này, mẹ đã mượn hết người thân họ hàng có thể mượn. Giờ nợ nần chồng chất, tiền bồi dưỡng hứa với chú Trương còn chưa gom đủ...
"Giờ phải làm sao đây?
"Con bảo bố mẹ phải làm sao đây?"
*
Niềm vui và sự phấn khích trong tôi như bị dội một gáo nước lạnh.
Tôi bật dậy, hét lên:
"Mẹ, mẹ nói thế là sao? Mẹ không muốn chị đi học cấp ba sao? Chị đỗ vào trường cấp ba số 1 đấy, mẹ có biết trường đó khó vào thế nào không?
"Cả khối chỉ có chín người đỗ! Chị thông minh, chăm chỉ như vậy, chắc chắn sẽ đỗ đại học.
"Chị, chị mau nói gì đi chứ!"
05
Đôi khi, sự trưởng thành chỉ đến trong một khoảnh khắc.
Giữa những lời thúc giục liên tục của tôi, chị ngẩng đầu lên, đôi mắt ngấn lệ long lanh.
Chị không khóc, cũng không oán trách.
Ngược lại, với đôi mắt đong đầy nước ấy, chị nặn ra một nụ cười nhỏ, nhìn tôi.
Rồi chị cúi đầu, những giọt nước mắt to nặng rơi thẳng xuống sàn bê tông.
Khoảnh khắc đó, chị hoàn toàn lột bỏ sự non nớt của một cô gái trẻ, trở thành một người trưởng thành, bị hiện thực khắc nghiệt vây hãm.
*
Chị khẽ nói:
"Bố, mẹ.
"Con biết nhà mình giờ rất khó khăn. Con không học cấp ba nữa, con sẽ ra ngoài làm..."
Chữ "công" còn chưa kịp nói ra, tôi đã vội bịt miệng chị lại.
"Không được nói bậy! Chị khó khăn lắm mới thi đỗ, chị luôn muốn học đại học mà. Chúng ta sẽ nghĩ cách, sẽ tự đi vay tiền."
*
Tôi không cam tâm.
Tôi thay chị không cam tâm.
Tại sao trên đời này, người tốt luôn phải chịu thiệt?
Tại sao thế gian này, những người mềm lòng luôn phải nhường bước?
*
Tôi kéo chị gọi điện cho mấy cô ruột.
Nhưng các cô nói vừa mới góp tiền lo viện phí cho bố, giờ thật sự không còn dư.
Hơn nữa, các cô cho rằng điểm của chị không cao, cho dù học trường cấp ba số 1, chưa chắc đã thi đỗ được đại học.
Tôi lại lôi chị đi tìm người trong làng.
Nhiều người trong làng đi làm xa, có người sống khá tốt.
Nhưng chúng tôi quá nhỏ, không có uy tín.
Mà bố thì tính khí tệ, không siêng năng, lại vừa gây chuyện đánh người, ai sẽ giúp chúng tôi?
*
Tôi ngồi bên suối khóc nức nở, hướng về ngọn núi lớn trước mặt mà gào lên hàng chục lần:
"Tại sao?"
Tiếng vọng từ thung lũng không ngừng đáp lại, như thể chính nó cũng không hiểu.
Nó cũng hỏi tôi hết lần này đến lần khác:
"Tại sao? Tại sao?"