ĐỨA TRẺ XẤU XÍ - 6
Cập nhật lúc: 2024-12-12 06:06:10
Lượt xem: 764
8
Tôi cố gắng thuyết phục bố trong thư phòng nhưng ông ấy quát quá lớn, cả nhà đều đã nghe thấy và chạy sang.
Thấy những bức ảnh đó, mặt mẹ tôi tái mét:
“Con là sinh viên đại học mà lại như thế này sao? Không ở trường học hành cho đàng hoàng, chạy ra ngoài làm gì để mất mặt gia đình thế này? Thật chẳng ra thể thống gì!”
Chị gái tôi thì thêm mắm dặm muối:
“Chị thấy em làm cái nghề này cũng hợp lý đấy. Người mẫu xấu mà quần áo đẹp thì khách hàng mới nghĩ rằng họ mặc vào sẽ đẹp hơn được.”
Anh trai tôi lên tiếng trách móc: “Bố mẹ không cho em đủ tiền tiêu à? Sao phải ra ngoài kiếm tiền?”
Bị cả gia đình đồng loạt chỉ trích, tôi cảm thấy mụ mị cả người.
Tôi vẫn nhớ như in rằng mấy năm trước, chị tôi bị một kẻ bám đuôi quấy rối. Khi ấy chị chạy về khóc lóc kể lại với gia đình thì không ai nỡ trách chị lấy một lời mà ngược lại, cả nhà xúm lại vỗ về:
“Không phải lỗi của con, đừng buồn.”
Tại sao… cùng là con gái, cùng bị quấy rối, mà tôi lại bị đối xử theo một cách hoàn toàn khác biệt?
Hãy để lại bình luận cho team Gia Môn Bất Hạnh hoặc nhấn yêu thích nếu bạn hài lòng với truyện nha, mãi yêu ❤
Chỉ vì chị ấy xinh đẹp, còn tôi thì không ư?
Phải chăng những người có nhan sắc luôn được người khác đối xử nhẹ nhàng hơn?
Sự ấm ức và bất bình dồn nén nhiều năm bùng nổ. Tôi nghiến răng, quay đầu chạy ra khỏi nhà.
Tiếng mẹ hét lớn vang lên sau lưng tôi:
“Đấy, mới nói nó có hai câu mà đã bỏ nhà đi rồi, to gan thật!”
Không phải tôi bỏ nhà đi. Tôi có việc quan trọng cần phải làm.
Nếu không ai đi cùng thì tôi, chính tôi sẽ tự mình đến đồn cảnh sát để báo án và làm tường trình.
Thế nhưng mọi chuyện không dễ dàng như tôi nghĩ.
Viên cảnh sát nhìn giấy tờ, cười nhạt:
“Em là sinh viên trường X à? Đầu óc giỏi thế mà còn bị lừa á?”
Rồi anh ta tiếp lời với vẻ hờ hững:
“Em hỏi xử lý thế nào à? Chúng tôi có thể gọi nhắc nhở người đó vài câu. Lần sau chú ý hơn khi thay đồ nhé.”
Kết quả này làm tôi không thể chấp nhận được.
Tôi ngồi thẫn thờ cả buổi chiều trong công viên, không cam lòng để chuyện này trôi qua như vậy.
Tôi liên lạc với các bạn nữ khác cùng làm việc hôm đó thông qua nhóm chat chung. Sau khi dò hỏi, tôi tìm được thêm ba nạn nhân khác cũng từng bị quấy rối.
Một em nhỏ chỉ mới 17 tuổi thậm chí còn sợ hãi đến mức phải chuyển khoản 3000 tệ để ‘mua’ sự im lặng từ kẻ đó.
Tôi dẫn họ trở lại đồn cảnh sát.
Lần này, người tiếp chúng tôi là một cảnh sát có thái độ rất tử tế. Anh lập tức tra thông tin của kẻ kia và giúp chúng tôi lập hồ sơ vụ án.
Không lâu sau, tôi được thông báo rằng kẻ đó đã bị tạm giam hành chính trong 5 ngày.
Đó là tin tốt, nhưng tôi không cảm thấy vui vẻ gì. Tôi chỉ cảm thấy sợ hãi.
Có lẽ mẹ tôi nói đúng, tôi nên tập trung học hành và thi cử giống các sinh viên khác thay vì ôm mộng tự lập kiếm tiền.
Tôi trốn trong phòng mấy ngày liền, không nói năng gì.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/dua-tre-xau-xi-snqw/6.html.]
Không lâu sau, bầu không khí trong nhà dịu xuống. Bố mẹ chủ động xin lỗi tôi, nói rằng họ không nên đánh tôi.
Là những bậc phụ huynh ‘thông thái’, họ đã đọc đủ loại sách nuôi dạy con cái và tiếp thu tư tưởng bố mẹ không phải lúc nào cũng đúng; khi sai, bố mẹ cũng cần xin lỗi con cái.
Nhưng tất nhiên, kèm theo lời xin lỗi không thể thiếu bài ‘dạy dỗ’ thâm sâu.
Mẹ tôi giảng giải rất dài dòng, tóm gọn lại thì ham hư vinh có thể khiến con người ta trượt dài xuống vực sâu không đáy.
Bố tôi thậm chí còn đề nghị tăng tiền sinh hoạt cho tôi lên 1500 tệ mỗi tháng.
“Công ty của bố đúng là đang gặp khó khăn nhưng bố không thể trơ mắt nhìn con ra ngoài làm những việc trắc nết như vậy được!”
Ngay sau đó, ông nói thêm:
“Nhìn chị gái con xem, nó có bao giờ làm những việc như thế không? Tại sao con không học theo chị con?”
Tôi siết chặt nắm tay, móng tay bấm vào da đau nhói.
Tôi làm sao có thể giống chị ấy được? Tôi không có khuôn mặt xinh đẹp như thế, cũng không nhận được sự cưng chiều vô điều kiện của bố mẹ như vậy.
Tôi cố kìm nước mắt, nói:
“Con biết rồi. Sau này con sẽ không làm bố mẹ phải bận lòng nữa.”
“Thầy cố vấn vừa báo là bọn con phải trở lại trường sớm, con sẽ về trường luôn.”
Bố mẹ không nhận ra ẩn ý trong lời nói của tôi, chỉ dặn dò tôi học hành chăm chỉ tử tế vào.
Khi dọn hành lý, tôi mang theo một chiếc hộp sắt đựng nhiều thứ lặt vặt: giấy gói kẹo xinh xắn, những tấm bưu thiếp bạn bè tặng và con dấu mà cô giáo dạy văn tôi yêu quý tặng cho.
Đó đều là những thứ vô giá với tôi.
Tôi cẩn thận đặt chúng vào vali.
Vì dường như, trong sâu thẳm, tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ trở về căn nhà đó nữa.
9
Tôi bước vào căn phòng ký túc trống vắng, lòng vẫn tràn đầy nỗi buồn.
Điện thoại bỗng rung lên, chị Tô Duyệt gửi tới một đoạn video.
Trong video, tôi thấy gã đàn ông đáng khinh đã chụp trộm tôi khi thay đồ. Tô Hành Chi đang bẻ ngược tay hắn lại, ép hắn để lộ khuôn mặt.
Còn Từ Mạn Dịch thì nhìn thẳng vào ống kính, nói:
"Nhìn cho rõ đây!", rồi thẳng tay tát hắn một cái.
Miệng chị ấy không ngừng liến thoắng mắng nhiếc:
"Con gái nhà người ta mới có mười mấy tuổi, ra ngoài làm việc cực khổ kiếm chút tiền, mày có tư cách gì mà đi chụp trộm họ hả?"
"Loại người như mày, lần sau mà tao còn gặp nữa, tao đánh mày không chừa một cái răng nào!"
Cuối video, Tô Duyệt cầm điện thoại cũng bước tới tung một cú đá vào người hắn.
Sau đó, chị ấy gửi tôi một tin nhắn thoại:
"Đừng lo nhé Tiểu Khả, hắn không dám làm gì em đâu. Bọn chị đã dạy cho hắn một bài học rồi. Thứ cặn bã này, ai gặp cũng phải xử lý thôi!"
Chuyện này là sao đây?
Tôi lập tức gọi điện cho Tô Duyệt để hỏi rõ mọi chuyện.