Shopee Chạm để tắt
Lazada Chạm để tắt

Cưu Chiếm Thước Sào - Chương 19

Cập nhật lúc: 2024-10-14 18:46:54
Lượt xem: 640

Sau đó, chẳng biết Sở Hiên dùng cách nào mà thuyết phục được bậc trưởng bối, thế lực Sở gia bắt đầu âm thầm ra tay tương trợ.

Ta vờ như không hay biết, khi có người thuộc dòng dõi Sở gia đến cửa xin đầu quân, ta cũng chỉ ỡm ờ cho qua chuyện, chưa từng chính thức nhận lời.

Dao nương hỏi ta, người của Sở gia đã tự mình dâng đến, sao không nhân cơ hội này mà tận dụng?

Ta lập tức từ chối, chỉ nói rằng không được.

Và nhiều lần dặn dò nàng rằng, việc Sở gia làm, chúng ta không được phép can thiệp dù chỉ nửa lời.

Người của hai bên cũng nên phân định rạch ròi, chớ nên dây dưa lẫn lộn.

Dao nương hỏi vì sao, ta chỉ đáp, chờ thêm chút nữa là nàng sẽ hiểu.

Kể từ khi Thất hoàng tử qua đời, vết thương cũ của Hoàng thượng cứ liên miên tái phát, nhiều năm vẫn chưa lành hẳn.

Năm nay trời lạnh giá, ông lại mắc phải một trận bệnh nặng.

Hoàng thượng cho gọi các hoàng tử chúng ta vào cung, rồi hỏi rằng: "Xưa nay, vị vua nào khai sáng triều đại cũng mong muốn cơ nghiệp muôn đời bền vững, nhưng nào thấy có giang sơn nào trường tồn mãi mãi. Giờ đây, thiên hạ là của Chương gia ta, liệu có thể kéo dài ngàn thu vạn đại chăng?"

Đại hoàng tử bước ra trước tiên, thưa với Hoàng thượng: "Nhất định là có thể ạ. Trời cao phù hộ cho Chương gia, chỉ cần phụ hoàng sớm ngày bình phục, há chỉ ngàn thu vạn đại, mà còn dài lâu hơn nữa."

Hoàng thượng mỉm cười, không nói gì thêm.

Nhị hoàng tử tâu rằng: "Thiên hạ tuy đã thống nhất, nhưng ngoại bang vẫn luôn dòm ngó. Nghe nói tân thủ lĩnh của bộ lạc Đông Lộc ngoài thảo nguyên kia dũng mãnh vô song, chờ khi hắn ta chinh phạt các bộ lạc khác, thống nhất thảo nguyên, e rằng sẽ đem quân xâm phạm bờ cõi nước ta. Nếu không chọn được người kế vị tài ba võ lược, thiện chiến sa trường, thì về sau khó mà nói trước được điều gì."

Hoàng thượng gật đầu, rồi quay sang bảo Tam hoàng tử trình bày ý kiến.

Tam hoàng tử hiện nay chỉ một lòng đối nghịch với Nhị hoàng tử, bèn lập tức nói bóng gió: "Giang sơn của Chương thị ta hiện giờ tuy có vẻ vững chắc, nhưng nếu để cho kẻ bất hiếu chỉ biết ưa chuộng binh đao, khơi mào chiến tranh nắm quyền, thì sẽ hao người tốn của, khiến dân chúng oán thán mà không dám kêu than. E rằng ngày sau sẽ xảy ra tai họa cũng nên."

Đến lượt ta, ta suy nghĩ một lát rồi hỏi: "Phụ hoàng, trước đây nhi thần chưa từng nghĩ đến việc này, giờ ngẫm lại mới thấy kỳ lạ, vì sao từ xưa đến nay, chẳng có triều đại nào hưng thịnh mãi mãi ạ?"

Hoàng thượng nhìn ta với vẻ thích thú: "Đúng vậy, vì sao lại không có nhỉ?"

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/cuu-chiem-thuoc-sao/chuong-19.html.]

Ta bẻ ngón tay đếm: "Nhi thần từ nhỏ không được thầy dạy bảo, sau khi hồi kinh cũng chỉ xem qua vài cuốn sử sách. Nhưng nhìn chung lại, nhi thần phát hiện ra rằng, phàm là sai lầm mà triều đại trước mắc phải, triều đại sau thường sẽ không lặp lại, nhưng rồi lại bị diệt vong bởi những sai lầm mới.”

"Triều đại này diệt vong vì phân phong đất đai cho các vị vua chư hầu, triều đại sau liền ra sức cắt bỏ phiên vương.”

"Nhưng sau khi đã cắt phiên, triều đình vẫn cần người tài để cai trị đất nước. Giao việc cho người ta, ắt phải trao cho họ quyền hành, điều này lại vô tình nâng đỡ cho ngoại thích.”

"Triều đại này diệt vong vì ngoại thích lộng quyền, triều đại sau liền ra sức đề phòng ngoại thích, nhưng ngoại thích suy yếu, thì thế gia vọng tộc lại ngoi lên.”

"Triều đại này diệt vong vì thế gia thao túng, triều đại sau liền tìm cách kiềm chế thế gia, nhưng thời gian dần trôi, những võ tướng xuất thân hàn môn lại trở nên kiêu ngạo, lấn át cả hoàng quyền.”

"Cứ nghĩ đến việc, nếu nhi thần áp chế võ tướng hàn môn, để nâng đỡ văn thần, thì e rằng rồi đây, văn thần lại trở thành mối họa lớn.”

"Nhưng nếu nhi thần kiềm hãm văn thần, mà trọng dụng thương nhân, thì ai biết được ngày sau có phải là tai họa diệt quốc hay không?"

Các vị huynh đệ của ta đều lộ ra vẻ mặt khác nhau, còn Hoàng thượng thì tỏ ra hứng thú, bảo ta nói tiếp.

"Mùa hè năm nay, nhi thần ngồi hóng mát trong sân, thấy có một cây nhỏ bị khô héo. Thị tòng bẩm rằng, đó là do ve sầu quá nhiều, tụ tập để đẻ trứng gây nên.”

"Cây cối thì có rễ bám sâu vào lòng đất, còn ve sầu thì không. Ve sầu không thể cắm rễ xuống đất để sinh tồn, lại càng không thể làm điều gì có ích cho muôn loài, mà chỉ biết hút nhựa cây để nuôi sống bản thân.”

"Tông thất, ngoại thích, hoạn quan, thế gia, hàn môn, văn thần, võ tướng, thương nhân... tất cả bọn họ đều chẳng khác gì ve sầu. Những con ve sầu này chỉ biết bám vào cái cây quốc gia, bám vào lê dân bách tính mà hút lấy của cải, lương thực. Mỗi triều đại suy vong, đều là bởi vì có một con ve sầu nào đó trở nên quá lớn. Con ve sầu lớn ấy hút quá nhiều nhựa sống, khiến cho cái cây bị khô héo. Cây cối đổ gãy, chia năm xẻ bảy, lũ ve sầu cũng mất đi nguồn sống, cuối cùng chỉ còn cách tàn sát lẫn nhau.”

"Nhưng nếu không có ve sầu, hoặc ve sầu quá yếu ớt, thì ve sầu ở những cây khác sẽ kéo đến ăn cây này, những cái cây khác cũng sẽ đến siết chặt, tranh giành đất sống của cây này.”

"Vì vậy, nhi thần cho rằng, muốn cho quốc khí được dài lâu, muôn đời bền vững, thì tuyệt đối không thể để cho bất kỳ con ve sầu nào quá lớn, cũng không thể để cho ve sầu quá nhỏ bé. Cây cối nuôi dưỡng nhiều ve sầu đã là điều không dễ dàng, ve sầu càng phải biết yêu quý, bảo vệ cái cây ấy. Nghe nói trên đời có loài ve sầu biết đi cướp đoạt những cây khác, để mang về nuôi dưỡng cái cây của mình, có lẽ cũng là một cách hữu ích."

Truyện này được đăng trên web monkeyD, xin hãy đọc web chính chủ để ủng hộ công sức của dịch giả. Search tên truyện + monkeyD

“Nếu không, cái cây triều đại sẽ giống như những triều đại trước, lúc mới khai sinh thì quốc lực vươn lên mạnh mẽ như tiết xuân phân. Mấy đời sau thì phồn thịnh tươi tốt như mùa hạ, đạt đến thời kỳ cực thịnh. Đến lúc bước vào thu, quốc lực suy yếu như lá khô, nhưng vẫn có thể gắng gượng chống đỡ. Cuối cùng, bộ máy trở nên cồng kềnh, khó xoay chuyển, tệ nạn chồng chất, khó bề cứu vãn. Khắp nơi tràn ngập trọc khí, giang sơn đi đến chỗ chia năm xẻ bảy.”

"Có người thường nói, nếu vị hoàng đế cuối cùng không làm việc này, hoặc làm việc kia, thì có thể tránh được họa diệt vong.”

"Nhưng nhi thần lại cho rằng, khi ấy khí số của triều đại đã tận, không có chuyện này, cũng sẽ có chuyện khác khiến giang sơn sụp đổ."

Nghe ta nói xong, Hoàng thượng buông bát thuốc xuống, bỗng nhiên ho khan.

 

Loading...