Dưới chân họ có một túi lưới đựng đầy bắp cải.
Sự đối lập giữa hai người họ quá rõ rệt, tôi vô thức nhìn lâu thêm một chút.
Tiếng khóc của bé gái quá lớn, đến mức con gái tôi - Tông Tông - cũng thấy không nỡ, thì thầm hỏi tôi:
"Mẹ ơi, con có thể chia cho em ấy một cây kẹo không?"
Tôi không nỡ từ chối lòng tốt của con bé, liền bảo nó tự đi chia sẻ.
Tông Tông lấy từ túi ra một cây kẹo, chìa ra trước mặt bé gái:
"Em ơi, đừng khóc nữa, chị cho em kẹo nè."
Nhưng chưa kịp dứt lời, Tống Vân đã giơ tay gạt mạnh cây kẹo trên tay con gái tôi, rồi thô bạo xoay đầu bé gái vào trong, không cho nó nhìn chúng tôi.
Cô ta nhìn tôi từ đầu đến chân với ánh mắt đánh giá, rồi cười khẩy đầy khinh miệt.
Có lẽ tôi quá vô tư, lúc đó còn tự trách bản thân có phải đã quá vô ý tứ, can thiệp vào chuyện người khác hay không.
Tối hôm đó, tôi kể chuyện này cho Tạ Cảnh Thư:
"Cái bắp cải này là bà cô ở tầng 13 đưa cho em đấy. Nhà cô ta kỳ lạ thật."
Tạ Cảnh Thư đang gắp thức ăn bỗng khựng lại.
Anh ta thậm chí còn không chờ tôi kể hết, mà cắt ngang:
"Sau này đừng giao du với nhà tầng 13 nữa."
Anh ta chỉ vào đầu mình:
"Cô ta ly hôn rồi, thần kinh có vấn đề đấy."
Tôi hỏi vặn lại:
"Làm sao anh biết?"
"Nghe tổ dân phố nói."
Anh ta trả lời quá tự nhiên, đến mức lúc đó tôi không nghi ngờ gì.
Giờ xâu chuỗi lại mọi chuyện, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra sự thù địch kỳ lạ của Tống Vân hôm đó đến từ đâu.
—
Chín giờ tối, Tạ Cảnh Thư mới về nhà. Anh ta đã tắm rửa sạch sẽ, mang theo mùi hương hoa trà không thuộc về gia đình chúng tôi, quần áo cũng thay bằng bộ dự phòng trên xe.
Trong khoảnh khắc đó, vô số suy nghĩ vụt qua trong đầu tôi.
Họ đã bắt đầu từ bao giờ? Đã tiến triển đến mức nào rồi? Cuộc hôn nhân này còn ý nghĩa gì không?
Nếu ly hôn, con gái tôi sẽ thế nào? Con bé còn quá nhỏ, những ân oán giữa người lớn không nên để con trẻ phải gánh chịu.
Tôi và Tạ Cảnh Thư từ thời học sinh đến khi mặc áo cưới. Là anh ta chủ động theo đuổi tôi. Khi tôi đồng ý lời cầu hôn, anh ta cười rạng rỡ như một vị tướng vừa chiến thắng trận đánh, cẩn thận đeo nhẫn vào tay tôi và xúc động nói:
"Ân Ân, anh cảm thấy như mình đang có cả thế giới trong tay."
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/chong-ngoai-tinh-quay-ve-con-muon-toi-biet-on/chuong-2.html.]
Lúc mới kết hôn, anh ta chủ động làm việc nhà, tôi nấu ăn, anh ta rửa bát.
Những lúc lười nấu, hai đứa rủ nhau về nhà bố mẹ ăn ké, sau đó anh ta giúp tôi giặt đồ, quét dọn nhà cửa.
Khoảng thời gian hạnh phúc ấy, đến bây giờ nhớ lại vẫn thấy như một giấc mơ đẹp.
Nhưng từ khi có con gái, anh ta dần biến thành một "ông bố rảnh tay".
Trong thời gian tôi ở cữ, mẹ chồng sang chăm cháu, thế là mọi việc trong nhà tự nhiên không còn liên quan đến anh ta nữa.
Con khóc, anh ta coi như không nghe thấy.
Tôi bị tắc sữa, sốt cao, nhờ anh ta lái xe đưa đi thông sữa, anh ta bực bội bảo:
"Đợi chút, anh bận, chưa đi được."
Từ lúc đó, tôi bắt đầu muốn mua một chiếc xe riêng cho mình.
Thực ra, tôi là người có lòng tự trọng cao. Nếu bị từ chối một lần, lần sau tôi sẽ tìm cách khác để tự giải quyết.
Tạ Cảnh Thư không phản đối kịch liệt nhưng cũng không đồng ý, chỉ uyển chuyển nói:
"Đợi thêm đi em, vợ chồng mình mới sinh con, còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu."
"Sau này có tiền, anh sẽ mua cho em một chiếc xe thật tốt."
Nhưng Tết năm đó, anh ta nói là đi xem xe với bạn, rồi tự ý đổi xe của mình, thêm chút tiền mua một chiếc SUV.
Chiếc Volkswagen Passat nhà tôi mới mua được hơn hai tháng, vẫn còn là xe mới. Không hiểu anh ta bị gì nữa.
Lần đầu tiên, tôi nổi giận với anh ta. Ban đầu, anh ta còn kiên nhẫn giải thích:
"Xe này nhỏ quá, anh cao, lái đường dài cảm thấy chật chội."
"Hơn nữa, sau này con lớn, cả nhà đi dã ngoại, SUV vẫn là lựa chọn tốt hơn."
Về sau, anh ta bỗng thay đổi thái độ, nói:
"Em biết cái gì? Xe là thể diện của đàn ông!"
"Tiền anh kiếm được, anh đổi xe, còn phải xin phép em sao?"
Từ lúc đó, tôi không còn hy vọng gì vào anh ta nữa.
Nhiều năm sau, tôi mới tự mình chắt chiu từng đồng, dành dụm để mua một chiếc xe cũ vài chục triệu.
Những năm gần đây, thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng xảy ra tranh cãi về những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống, nhưng tôi luôn coi đó là một phần tất yếu của hôn nhân và cố gắng tiêu hóa chúng.
Tôi tự nhủ rằng chúng tôi đã quá quen thuộc nhau, như tay trái tay phải, mà móng tay thì có bao giờ không chạm vào da thịt đâu?