Cầu Người Chi Bằng Cầu Mình - Chương 2
Cập nhật lúc: 2025-01-14 17:47:49
Lượt xem: 1,890
Hầu hạ tiểu thư Hàn Triệu Vân dùng xong bữa trưa, ta liền đi thăm Kê Hào.
Gần đây nàng thường xuyên đau đầu, chóng mặt, đêm đến trằn trọc khó ngủ, thân hình cũng gầy rộc đi trông thấy.
Ta biết, đây chính là biểu hiện của ngộ độc ở mức độ trung bình
Ở thời hiện đại, thường dùng thuốc natri dimercaptopropane sulfonate để điều trị thải độc thủy ngân.
Nhưng nơi này không có máy móc, càng không thể điều chế dược liệu.
Ta đành bất lực.
Chỉ có thể mang cho nàng vài loại trà giúp thanh lọc độc tố, hiệu quả tuy chẳng đáng là bao nhưng có cũng đỡ hơn không.
Kê Hào ăn bánh ngọt, uống trà, nở nụ cười thoả mãn:
“Đa tạ Đông Mai tỷ, tỷ thật tốt với muội.”
Nàng chỉ mới mười lăm tuổi, trong ánh mắt vẫn còn nét ngây thơ, non nớt của một thiếu nữ.
Mái tóc vì suy dinh dưỡng mà xơ xác, thân hình nhỏ gầy yếu ớt.
Ta hỏi nàng, cớ sao lại chấp nhận làm thông phòng.
Nàng đáp:
“Phụ thân muội mất sớm, mẫu thân một mình nuôi ba đệ muội, vất vả không kể xiết. Làm nha hoàn thông phòng cho công tử, mỗi tháng có thể được thêm năm trăm văn tiền, muội chỉ muốn giúp đỡ gia đình.”
“Vậy muội chưa từng nghĩ đến việc rời khỏi đây sao?”
Kê Hào lắc đầu:
“Từ nhỏ muội đã theo hầu công tử, chưa từng thấy cuộc sống ngoài kia là thế nào. Nếu bị bán ra ngoài, chưa chắc đã tốt hơn trong phủ. Hiện tại ở đây, muội có thể ăn no, lại còn có Đông Mai tỷ chăm sóc, muội đã rất mãn nguyện rồi.”
Tiểu cô nương nói, miệng nở nụ cười, để lộ hàm răng không mấy đều đặn.
Khuôn mặt đen gầy, nhưng đôi má khi cười lại hiện lên hai lúm đồng tiền nhỏ, trông thật ngọt ngào.
Đây chính là “kẻ tự chuốc lấy hèn mọn” mà trong lời của Hàn Triệu Vân đã nói.
Khi ấy, lòng ta trăm mối ngổn ngang, chẳng biết phải nói gì.
Ta từng nghĩ, nếu thời đại này sở hữu những phương pháp tránh thai hiện đại như hậu thế, có lẽ đã giúp biết bao nữ nhân thoát khỏi vòng xoáy đau khổ.
Nhưng khi ta hỏi Ngô ma ma rằng ngoài việc dùng thuốc, còn có cách nào để tránh thai hay không, bà liền bật cười khinh miệt:
“Ở chợ không thiếu ruột dê hay bong bóng cá, nhưng có mấy nam nhân chịu dùng đâu?”
Ta lại rơi vào im lặng, như bị vây hãm trong nỗi bất lực sâu thẳm.
Giống như vận mệnh của Kê Hào, từ khi bắt đầu đã được định sẵn.
Ta biết rất nhiều cách để tránh ngộ độc, cũng biết làm thế nào để giải độc.
Thế nhưng, ta vẫn chẳng thể làm gì được.
Kê Hào không qua nổi mùa đông năm nàng mười lăm tuổi.
Trong tiếng pháo mừng xuân, một năm cũ khép lại.
Thi thể của nàng được phát hiện vào sáng sớm ngày đầu năm mới.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/cau-nguoi-chi-bang-cau-minh/chuong-2.html.]
Khi Hàn Triệu Vân hay tin, nàng đang chải chuốt, chỉ buông một câu không hài lòng:
“Xúi quẩy.”
Ngô ma ma nhắc:
“Theo lệ trong phủ, nên cho gia đình nàng hai mươi lượng bạc.”
Hàn Triệu Vân khẽ nhíu mày, có chút tiếc của:
“Tết nhất đã thêm xúi quẩy, còn phải tốn nhiều như vậy? Cho mười lượng là được rồi.”
Ngô ma ma hiểu tính nàng, không nói thêm lời nào.
Sau khi trang điểm xong, nàng sai ta tới tiểu trù phòng mang tổ yến lên.
Đây là yến vàng quý hiếm được tiến cống từ Xiêm La, một chén trị giá ba mươi lượng bạc.
Thi thể của Kê Hào được đưa ra ngoài qua cửa nhỏ.
Ta đi theo tiễn nàng chặng đường cuối cùng.
Mẫu thân nàng nhận bạc, mua một chiếc quan tài.
Không nhiều, không ít, vừa đủ mười lượng.
“Ta thật bất tài vô dụng, làm mẫu thân mà không thể để con mình có được một nơi an nghỉ tử tế sau khi qua đời.”
Người phụ nữ bệnh tật tiều tụy, nhưng trong ánh mắt vẫn ánh lên vẻ kiên định.
Ba đứa con nhỏ đứng sau lưng, áo quần giặt đến bạc màu, chắp vá khắp nơi, nhưng sạch sẽ, tươm tất.
Ta lấy từ trong tay áo ra một chiếc túi gấm.
Đó là bạc mà mọi người gom góp được.
Ngô ma ma bỏ ra hai lượng, ta bỏ hai lượng, Thu Cúc một lượng, Áp Hào cũng góp một lượng.
Tổng cộng sáu lượng, là chút lòng thành chúng ta dành cho Kê Hào.
Nhưng người phụ nữ nhất định không chịu nhận:
“Con gái ta lúc sinh thời đã được các cô nương chiếu cố, sao còn có thể lấy thêm tiền của mọi người? Nếu nó dưới suối vàng biết được, cũng sẽ không đồng ý.”
Người nghèo có lòng tự tôn của người nghèo. Bà ấy không muốn để người khác coi thường Kê Hào.
Dù cuộc sống khốn cùng, bà vẫn cố gắng giữ lại chút thể diện cuối cùng cho con gái mình.
Khi rời đi, trong sân nhỏ đơn sơ ấy, cờ trắng vẫn bay phấp phới. Có một thư sinh nhà hàng xóm tự nguyện viết văn tế.
Lần đầu tiên, ta biết được tên thật của Kê Hào.
Lý A Tuệ.
“Xe đầy lúa chín vàng, mùa màng thật bội thu.”
Cái tên giản dị, tầm thường, nhưng lại là mong ước và lời chúc phúc chân thành nhất của phụ mẫu dành cho con cái ở thời đại này.
Không phải cái tên xa hoa mà phu nhân ban tặng, cũng chẳng phải cái tên Kê Hào hay Áp Hào do công tử đặt.
Nàng chỉ đơn giản là một con người mà thôi.