“Cả nhà không chu cấp tiền học phí và sinh hoạt phí cho con sao?” Giọng cô út đầy tức giận. “Bao nhiêu năm rồi mà họ vẫn chẳng ra gì thế này à?”
Tôi cười nhạt: “Không sao đâu, con vốn đã không trông mong gì vào họ nữa.”
“Chỉ là con rất lo về thành tích của mình. Không giỏi cũng không tệ, cứ lưng chừng như vậy, con không biết phải học thế nào cho tốt. Đôi khi con cảm thấy rất thất vọng về bản thân…”
“Đừng buồn, Phán Phán.” Cô út dịu dàng an ủi tôi.
“Con biết vì sao điểm số của con lại thấp hơn các bạn khác trong kỳ thi nhập học không? Không phải vì con không cố gắng, mà vì nền giáo dục ở quê vốn đã kém hơn thành phố. Ngay từ đầu, con đã phải chịu thiệt rồi.”
“Hơn nữa, nhiều học sinh trên thành phố đã học thêm suốt cả kỳ nghỉ hè, trong khi con lại phải đi làm để kiếm tiền đóng học phí. Với hoàn cảnh như vậy, con đạt được kết quả như bây giờ đã là rất tốt rồi.”
“Học tập không phải là cuộc chạy nước rút, mà là hành trình leo núi. Quan trọng là sự kiên trì lâu dài, con hiểu không?”
Lời cô út như một liều thuốc chữa lành, lấp đầy khoảng trống trong tim tôi.
Thực ra, khi con người đau khổ và bất lực, điều họ cần nhất không phải là lời khuyên, mà là một chút thấu hiểu và ủng hộ.
Tôi đã cô đơn quá lâu rồi.
Tôi lau khóe mắt hơi ươn ướt, nghiêm túc gật đầu:
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
“Con hiểu rồi, cảm ơn cô út.”
“Cô út yên tâm, con nhất định sẽ chăm chỉ học tập, giống như cô út ngày trước vậy.”
Cô út mỉm cười: “Cô tin con sẽ làm được.”
Từ đó, tôi thường xuyên liên lạc với cô út. Cô chưa bao giờ cảm thấy phiền, thậm chí còn giúp đỡ tôi rất nhiều.
Không chỉ về mặt tinh thần, mà còn cả vật chất.
Sinh nhật năm đó, tôi nhận được một kiện hàng từ cô út.
Bưu kiện không lớn, nhưng bên trong chứa đựng những thứ vô cùng quý giá:
Một hộp lớn đầy ruột bút và một quyển sổ ghi chép tinh xảo.
Một phong bì dày cộm, bên trong là lá thư viết tay của cô út và hẳn hai nghìn tệ tiền mặt.
Một chiếc điện thoại nắp gập Hello Kitty, kèm theo thẻ SIM và đồ sạc pin đầy đủ.
Cảm nhận được trọng lượng của chúng trong tay, lòng tôi dâng lên một cảm giác khó tả, vừa xúc động vừa biết ơn.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/bo-tron-cung-co-ut/chuong-7.html.]
Cô út dường như sợ tôi không chịu nhận, nên trong thư đã giải thích rất kỹ lưỡng:
[Phán Phán, những thứ này con cứ cầm lấy, đừng từ chối. Sau này con trả lại cho cô cũng được. Nhưng nếu con không nhận, cô sẽ coi như con không còn xem cô là cô út nữa.]
[Đồ dùng học tập là để khuyến khích con chăm chỉ học hành, tiền mặt để giảm bớt áp lực sinh hoạt. Còn điện thoại là để chúng ta có thể giữ liên lạc lâu dài. Sau này nếu có gì cần giúp đỡ, cứ nói với cô, đừng khách sáo.]
[Cô không có mong muốn gì lớn lao, chỉ hy vọng con có thể kiên trì tiếp tục học tập. Học hành có thể không phải là con đường duy nhất, nhưng nó là con đường tốt nhất của chúng ta. Cố gắng lên, cô út chờ tin tốt từ con.]
Tôi tin tưởng tuyệt đối vào lời cô út.
Đây không phải là những câu nói mang tính động viên suông, mà là kinh nghiệm thực tế của một người từng bươn chải và lăn lộn nhiều năm đúc kết ra.
Tôi lập tức viết một lá thư dài để cảm ơn cô út, và gửi lại một lời hứa:
[Con sẽ cố gắng hết sức và sẽ không bao giờ bỏ cuộc.]
Nhờ sự giúp đỡ của cô út, cuộc sống của tôi ở trường đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Dù chưa thể gọi là dư dả, nhưng ít nhất tôi cũng đã có một cuộc sống như một học sinh bình thường.
Tôi có thể gọi cơm với thịt, trứng, sữa ở căng tin, mỗi bữa đều được ăn no.
Cảm giác đói đến tận xương tủy cuối cùng cũng dần biến mất. Cơ thể tôi khỏe mạnh hơn lúc nào không hay.
Tôi nhớ trên sân thể dục có một vạch đo nhảy xa. Trước đây, tôi chỉ nhảy được 1m5, nhưng bây giờ, tôi có thể dễ dàng nhảy đến 1m7.
Không biết là do tôi cao lên hay sức lực tăng lên, hay là cả hai.
Điều làm tôi phấn khích hơn cả là tinh thần của tôi cũng tốt lên đáng kể.
Tôi không còn cảm giác uể oải, chóng mặt khi học nữa. Đầu óc tôi minh mẫn, tư duy nhạy bén, trạng thái đạt mức tốt nhất kể từ khi nhập học.
Trong những bài kiểm tra nhỏ trên lớp và kỳ thi tuần, tôi luôn nhìn thấy sự tiến bộ của mình, dù chỉ là từng điểm số hay từng thứ hạng nhỏ nhoi.
Nhưng tích lũy từng chút một, lâu dần sẽ tạo ra sự thay đổi lớn.
Cuối cùng, đến kỳ thi cuối học kỳ I lớp 10, tôi vươn lên hạng 207 toàn khối.
Theo như tiêu chuẩn phân lớp của giáo viên chủ nhiệm, học sinh có thứ hạng dưới 200 sẽ được vào lớp chọn.
Tôi đã rất gần với mục tiêu rồi.
Nhưng lúc này, tôi lại phải đối mặt với một vấn đề khác: Chọn ban Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội?