Một bài tập vốn chỉ cần vài phút là có thể giải xong, vậy mà nó có thể kéo dài đến tận hai tiếng.
Lúc thì kêu ngứa mông, lúc lại than nhức đầu, chẳng bao giờ chịu ngồi yên mà tập trung học.
Vậy nên, thành tích của nó cũng chỉ ở mức trung bình.
Mẹ tôi nhiều lần bắt tôi phải giúp nó nâng cao điểm số.
Lúc đó, tôi lúng túng há miệng, có chút mơ hồ:
”… Nhưng con đâu phải giáo viên.”
Ba tôi lúc ấy đang phơi ngô ngoài sân, nghe thấy vậy thì bực bội nói:
“Con là chị nó mà, cần gì phân rõ rạch ròi thế? Chị giúp em trai là chuyện đương nhiên!”
Phải rồi, chính ông ta cũng là nhờ hút m.á.u cô cả mà lớn lên.
Chỉ có những kẻ được hưởng lợi mới cảm thấy đó là “chuyện đương nhiên”.
Ngoài việc dạy kèm cho em trai, tôi còn một đống việc nhà phải làm.
Những học sinh khác có thể thư giãn khi nghỉ lễ, nhưng tôi thì không có lấy một phút rảnh rỗi.
Năm giờ sáng tôi đã phải dậy nhóm lửa nấu cơm, ra đồng cắt cỏ cho lợn, cho lợn, gà, vịt ăn xong sau đó theo ba mẹ xuống ruộng làm việc, bận rộn đến tận tối mịt.
Có những ngày không phải làm ruộng, tôi cũng chẳng được nghỉ ngơi.
Tôi phải giặt quần áo cho cả nhà, dọn dẹp nhà cửa, và luôn để mắt trông chừng em trai, phòng khi nó gặp chuyện.
Em trai là bảo bối của cả nhà.
Có lần, nó trèo cây để lấy tổ chim rồi ngã xuống, trật chân. Bà nội liền mắng tôi một trận té tát:
“Mày không biết cản nó lại à? Làm chị kiểu gì thế hả?”
Lúc đó, tôi còn đang cúi đầu giặt đồ bên giếng, nào có thời gian để trông chừng nó?
Nhưng tôi không biện hộ.
Từ nhỏ, tôi đã hiểu một điều—tuyệt đối đừng bao giờ cãi lại bà nội.
Càng lớn, tôi càng ganh tị với cô út ở phương xa.
Hồi đó, có phải cô út cũng không chịu nổi cuộc sống này nên mới bỏ nhà ra đi không?
Bây giờ, rời khỏi vùng quê này, cô út có cảm thấy tự do, có cảm thấy hạnh phúc hơn không?
Tôi không biết.
Nhưng tôi dần dần hiểu được sự lựa chọn của cô út.
Có lẽ… cô út không phải kẻ xấu xa như mọi người vẫn nói.
Suốt ba năm cấp hai, thành tích của tôi luôn rất tốt.
Giáo viên chủ nhiệm đặt kỳ vọng rất lớn vào tôi, nói rằng mỗi năm thị trấn đều có một vài suất vào Nhất Trung trên thành phố, chỉ cần tôi thi cử bình thường thì không có vấn đề gì.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/bo-tron-cung-co-ut/chuong-5.html.]
Kỳ nghỉ đông trước kỳ thi tốt nghiệp, tôi báo tin này cho ba mẹ, mong họ sẽ tiếp tục ủng hộ tôi đi học.
Nhưng ba tôi chỉ châm điếu thuốc, lặng lẽ rít vài hơi, mẹ thì cúi đầu đan len, không ai nói gì.
Sau một khoảng im lặng dài, mẹ mới mở miệng:
“Phán Phán, chuyện này phải để bà nội quyết. Dù sao, ba mẹ cũng không có ý kiến gì.”
Thế là, giống như ba năm trước, tôi lại phải khom lưng bám theo sau bà nội, hạ thấp mình nài nỉ bà cho phép.
Có lẽ bà đã già, tai nghe không còn thính nữa, lần này bà lại phất tay, đồng ý một cách dễ dàng:
“Muốn học thì học đi.”
Tôi còn chưa kịp vui mừng, bà đã nói tiếp:
“Nhưng nói trước, nhà này chỉ có thể nuôi một đứa ăn học. Nếu mày muốn học cấp ba thì tự lo tiền đi, đừng xin xỏ gì nhà này.”
Gió lạnh mùa đông quất vào mặt tôi, như một cái tát giáng thẳng xuống.
Kỳ thi tốt nghiệp, tôi làm bài rất ổn, điểm số đủ để đậu vào Nhất Trung trên thành phố.
Nhưng vì không có tiền đóng học phí, ba mẹ lại khuyên tôi:
“Phán Phán, hay là đừng học nữa. Con cũng biết nhà mình khó khăn mà.”
Giây phút đó, tôi thất vọng đến cùng cực.
Tại sao?
Tại sao những người đáng lẽ phải yêu thương và bảo vệ tôi nhất trên đời lại luôn đứng về phía những kẻ làm tổn thương tôi?
Tôi cắn chặt môi, kìm nén nước mắt, chỉ nói một câu:
“Con sẽ tự nghĩ cách.”
Thị trấn đang tuyển nhân viên làm thêm trong kỳ nghỉ hè, tôi cầm theo tấm chứng minh thư vừa mới làm, xin vào làm phục vụ ở một nhà hàng.
Mỗi ngày đứng từ tám giờ sáng đến chín giờ tối, mệt đến mức linh hồn như muốn bay ra khỏi xác.
Suốt ba tháng ròng rã, tôi mới chắt chiu đủ tiền đóng học phí lớp mười và một phần sinh hoạt phí, một mình đến trường Nhất Trung trên thành phố để làm thủ tục nhập học.
Ba mẹ không tiễn tôi, nhưng lén đưa tôi năm trăm tệ sau lưng bà nội, bảo tôi cố gắng học hành.
Tôi không từ chối, nhưng khi cầm số tiền đó, tôi cũng không cảm thấy vui mừng hay xúc động như mình từng nghĩ.
Có lẽ, tôi đã dần bước qua cái tuổi còn cần đến tình thương của ba mẹ.
Lớp mười, tôi sống rất chật vật.
Vật giá ở thành phố cao hơn nhiều so với thị trấn.
Để tiết kiệm, tôi chỉ mua bánh bao và cháo rẻ nhất ở căng-tin, uống canh rau miễn phí. Đến đêm, nếu đói đến không ngủ nổi, tôi sẽ lén dậy uống nước lạnh cầm chừng.
Chỉ cần có gì đó để lấp đầy bụng là được.
Bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy thật sự quá khổ.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Nhưng khi ấy, tôi vẫn có một niềm hy vọng—chỉ cần tôi còn được học, tôi có thể thay đổi số phận của mình.