Mắt bà nội sáng rực, vội vàng cầm lấy những tờ tiền, giơ lên dưới ánh đèn kiểm tra hồi lâu.
Lúc này, gương mặt lạnh lùng của bà mới dần dần dịu lại.
Bà nội dò xét hỏi cô út: “Chỉ có một vạn chín thôi à? Không còn nhiều hơn sao? Con đi làm bên ngoài bao nhiêu năm, chắc hẳn phải dư dả chút đỉnh chứ? Đừng có giấu diếm.”
Cô út châm một điếu thuốc, im lặng một lúc rồi nghiêng đầu cười nhạt.
“Có chứ. Tôi còn nợ bên ngoài hai ba vạn tiền vay, tiền thuê nhà tôi cũng chưa trả. Chị cả, anh hai, hai người có tiền thì cho tôi vay chút đỉnh đi, tôi sẽ lập tức đem trả ngay.”
“Sau này tôi sẽ thường xuyên liên lạc với mọi người, để cảm ơn tình cảm anh chị em sâu nặng này.”
Ba mẹ tôi và cô cả nghe xong, mặt mày tái mét, vội vã chấm dứt chủ đề này.
“Bọn chị cũng khó khăn lắm, em gái à, giúp em thế nào được đây?”
“Mẹ cũng thật là, một hai vạn như vậy là tốt lắm rồi, đừng ép con bé nữa.”
Cô út phả ra một vòng khói, lạnh lùng liếc qua bọn họ rồi xoay người đi lên lầu.
“Tôi đã mua vé tàu ngày mai về Quảng Đông, không có thời gian ở lâu, cũng không làm mất mặt mọi người. Không cần tiễn.”
Bà nội như chợt nghĩ ra điều gì, vội vã đuổi theo:
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
“Tuyết Mai, trước khi đi, con ghi lại số tài khoản ngân hàng với thẻ bảo hiểm y tế của mẹ đi. Sau này, mỗi tháng con cũng không cần gửi nhiều đâu, khoảng hai ba ngàn là được rồi, mẹ…”
Rầm!
Cô út đóng sầm cửa lại.
Căn phòng khách vừa ồn ào náo nhiệt lập tức rơi vào tĩnh lặng.
Thực ra thời ấy, một vạn cũng không phải con số nhỏ.
Ba mẹ tôi và cô cả cầm từng tờ tiền lên soi kỹ, lẩm bẩm với nhau:
“Nhìn cách ăn mặc của nó thì cũng chỉ là công nhân xưởng thôi, sao lại tích góp được từng đó tiền? Không lẽ ở ngoài nó còn làm mấy cái chuyện không đứng đắn?”
Nói xong, họ lập tức rụt tay lại, như thể chạm vào tiền của cô út là chạm vào thứ gì bẩn thỉu.
Nhưng đợi cô út đi rồi, họ lại không chút khách khí chia nhau số tiền ấy, nhét đầy một túi lớn.
Đúng là nực cười.
…
Khi cô út rời đi, thật sự không có ai ra tiễn cả.
Chỉ có tôi, sáng sớm dậy đi vệ sinh, vô tình nhìn thấy bóng lưng cô út.
Trời lạnh đến cắt da, tôi có chút không đành lòng, liền xỏ giày chạy ra, vừa chạy vừa gọi với theo: “Cô út!”
Cô út đang đeo một chiếc ba lô, giẫm trên con đường đất ẩm ướt buổi sớm, chậm rãi quay đầu lại.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/bo-tron-cung-co-ut/chuong-2.html.]
Ánh mắt cô út nhìn tôi có chút ngạc nhiên.
“Con là con gái của anh hai, là Phán Phán đúng không?”
Cô út biết tôi, nhưng không quá thân thuộc. Tôi gật đầu, nắm lấy tay cô út.
Tôi không biết lúc này nên nói gì, cũng không giỏi tỏ ra cảm động, bèn lặp lại một câu chúc may mắn mà tôi vừa mới học được.
“Chúc cô út lên đường bình an.”
Cô út khẽ cong môi, nhẹ nhàng cười. Như sực nhớ ra điều gì, cô út đưa tay vào túi, lấy ra vài viên kẹo.
“Đây là kẹo cô mang từ bên ngoài về, vốn định cho con, nhưng lại quên mất.”
“Phán Phán, cố gắng học hành, sau này thi đỗ vào thành phố lớn, cô út sẽ dẫn con đi chơi.”
Tôi vui vẻ gật đầu: “Dạ! Vậy cô út ở đâu ạ?”
Cô út mỉm cười: “Cô ở Thượng Hải. Cô nói ở Quảng Đông là để lừa họ thôi, chuyện này chỉ nói riêng với con thôi đấy.”
“Thượng Hải rộng lớn và thú vị lắm, Phán Phán. Đừng để tầm nhìn của con bị bó hẹp trong ngôi làng nhỏ bé này.”
Mãi về sau tôi mới biết, lúc đó cô út đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty thời trang ở Thượng Hải, đồng thời còn chuẩn bị cho kỳ thi đại học hệ vừa học vừa làm.
Cô út chưa từng từ bỏ việc vươn lên, cũng chưa từng ngừng học hỏi.
Và cô út cũng là người đầu tiên trong cuộc đời tôi khuyến khích tôi cố gắng học hành.
Tôi nghiêm túc gật đầu: “Được, vậy hẹn gặp lại nhau ở Thượng Hải nhé, cô út.”
Sau khi cô út rời đi, tôi mang theo mấy viên kẹo trở về nhà.
Nhưng cuối cùng, tôi chẳng được ăn viên nào cả.
Mẹ tôi lấy hết số kẹo đưa cho em trai, sau đó còn giả vờ quan tâm gắp cho tôi một đũa rau.
“Phán Phán, ăn nhiều kẹo dễ hỏng răng lắm, con gái mà ăn nhiều đồ ngọt còn dễ béo nữa. Ăn rau nhiều vào, ngoan nào.”
Tôi có chút không vui, nhưng nhớ đến việc lộ ra vẻ khó chịu lúc ăn cơm có thể bị ba tát, tôi đành cố nhịn nước mắt nuốt xuống.
Quả nhiên, khi nghe tôi nói vừa mới đi tiễn cô út, mẹ liền bắt đầu “thẩm vấn” tôi.
Như vô số lần trước đây, mẹ lại mượn chuyện của cô út để răn dạy tôi. Bà mỉm cười hỏi:
“Phán Phán à, con nói xem, cô út của con có phải rất kỳ lạ không? Sau này con sẽ không giống cô ấy, lặng lẽ bỏ đi rồi cắt đứt liên lạc với gia đình chứ?”
Tôi đã quá quen với đáp án đúng. Không chút cảm xúc, tôi trả lời: “Không đâu ạ.”
Mẹ lại tiếp tục: “Vậy sau này con có yêu thương em trai không? Có giúp nó mua nhà không? Tiền sính lễ kết hôn cũng sẽ đưa cho ba mẹ chứ?”
Lúc đó tôi mới tám tuổi, còn chưa biết sính lễ là gì, vậy mà mẹ nói ra những lời này một cách tự nhiên như thế.
Nhưng tôi đương nhiên chỉ có thể đáp: “Dạ.”