Bỏ Trốn Cùng Cô Út - Chương 12
Cập nhật lúc: 2025-03-09 08:12:59
Lượt xem: 3,637
Mùa hè sau khi tốt nghiệp, tôi mời cô út một bữa tiệc lớn, rồi trò chuyện cùng cô út suốt cả đêm.
Lúc ấy, tôi uống vài ly rượu vang, hơi say, hí mắt tò mò hỏi:
“Cô út, hồi xưa cô một mình bươn chải ở Thượng Hải, rốt cuộc đã làm sao để vượt qua tất cả vậy?”
Từ một cô gái xa quê, tay trắng lập nghiệp nơi thành phố lớn, chắc chắn không hề dễ dàng.
Cô út khẽ thở dài, khóe mắt lộ ra những nếp nhăn dịu dàng:
“Bởi vì trong lòng cô út luôn có hy vọng. Và hơn hết, cô đã gặp rất nhiều người tốt.”
“Lúc nghèo nhất, cô sống được là nhờ sự giúp đỡ của những người xa lạ. Có một chị gái chẳng quen biết từng giới thiệu việc làm cho cô, một ông chủ của quán ăn Tứ Xuyên đã mời cô một bữa trưa.”
“Sau này, khi vừa làm vừa học, cô có một người bạn cùng phòng sợ làm ồn đến cô, mỗi lần đi lại đều rón rén, còn để đèn cho cô học khuya.”
“Thầy cố vấn ở trường đại học cũng rất tốt bụng, giúp cô xin được rất nhiều trợ cấp. Đến giờ cô vẫn biết ơn thầy.”
Cô út bỗng dừng lại, rồi nhìn tôi bằng ánh mắt đầy yêu thương.
“Và cả con nữa, Phán Phán.”
“Con còn nhớ năm đó cô về quê không? Cả gia đình quay lưng với cô, chỉ có con—cô cháu gái nhỏ này—đã ra tiễn cô một đoạn.”
“Khi đó cô nghĩ: Đúng là tre xấu vẫn có thể mọc được măng tốt. Anh hai cô khốn nạn như vậy mà lại sinh ra một đứa con gái đáng yêu thế này.”
“Ngay từ lúc ấy, cô đã biết con là một đứa trẻ tuyệt vời, và nhất định sẽ có tương lai rực rỡ.”
Tôi khẽ tựa đầu vào vai cô út, tự nhiên mà nép vào lòng cô như một chú mèo nhỏ.
“Cô út cũng vậy. Ngay từ lúc cô út cho con mấy viên kẹo, con đã biết cô út không phải kẻ xấu như họ nói.”
“Cô út chỉ đơn giản là chọn sống một cuộc đời mà cô út muốn. Và hơn hết, cô út đã cứu rỗi con.”
Những năm qua, tôi hiếm khi nghĩ đến gia đình ruột thịt, cũng như ngôi làng nghèo nàn, lạc hậu nơi tôi sinh ra.
Nhưng mỗi khi vô tình nhớ lại, lòng tôi lại tràn ngập đắng cay.
Không chỉ vì những tổn thương mà họ từng gây ra cho tôi, mà còn vì tôi biết rằng, ngoài kia vẫn còn vô số “Vinh Phán Phán” không thể thoát khỏi vùng núi ấy.
Các cô gái ấy bị ép bỏ học, đi làm sớm, lấy chồng, sinh con.
Cả cuộc đời họ bị sử dụng như một tấm thảm lót đường cho anh em trai, rồi lại bị nhà chồng vắt kiệt.
Hầu hết họ dần trở nên tê liệt với số phận, bị nhồi nhét tư tưởng phong kiến, rồi lại tiếp tục áp bức thế hệ sau.
Họ mơ màng, không đáng yêu, thậm chí có thể xấu xí và đáng sợ, giống như mẹ tôi, như cô cả.
Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng, đáng lẽ ra cuộc đời họ không nên như vậy.
Sau vài năm đi làm, tôi trả hết nợ cho cô út, thanh toán xong khoản vay sinh viên, rồi bắt đầu tài trợ học phí cho một số bé gái ở vùng quê.
Các em ấy giống tôi của ngày xưa—sinh ra trong một môi trường nghèo khó và khắc nghiệt, nhưng trong ánh mắt vẫn ánh lên khát khao học hỏi.
Tôi luôn khuyến khích các em:
“Thế giới bên ngoài rất rộng lớn và tươi đẹp, nhất định phải bước ra và nhìn ngắm nó.”
Phải rời khỏi núi rừng.
Phải tỏa sáng trong mọi lĩnh vực.
Phải trở thành những người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/bo-tron-cung-co-ut/chuong-12.html.]
Sau đó, chính họ sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ sau, để càng nhiều cô gái thấy được hy vọng, thoát khỏi xiềng xích của số phận.
Từng thế hệ cố gắng, từng thế hệ nâng đỡ nhau.
Rồi một ngày, chúng ta sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Tôi tin rằng, đây mới là cái kết viên mãn nhất của câu chuyện này.
[Hậu Ký]
Trong bảy tám năm sống ở Thượng Hải, tôi chỉ gặp lại ba mẹ mình đúng một lần.
Một lần hoàn toàn ngoài ý muốn.
Có một người họ hàng đến Thượng Hải chữa bệnh, vô tình nhìn thấy tôi, rồi lén ghi lại địa chỉ nhà và chỗ làm của tôi, sau đó về báo tin cho họ.
Thế là ba mẹ tôi lặn lội đường xa, chờ trước cổng cơ quan tôi, khóc lóc ầm ĩ, đòi tôi về nhà.
Tôi dắt họ vào một quán cà phê gần đó, bảo họ có gì thì nói thẳng.
Trong cuộc trò chuyện ấy, điều khiến tôi hài lòng nhất là biết được những năm qua họ sống không hề tốt
Trước tiên, sau khi tôi bỏ trốn, Nhị Cẩu tức giận vì bị “lật kèo”, liền đánh cho ba tôi một trận nhừ tử, khiến ông ta nằm liệt giường mấy ngày.
Sau đó, cả làng đều biết chuyện nhà họ Vinh có tận “hai đứa con gái bất hiếu”, điều đó khiến cả nhà tôi bị dè bỉu, xấu hổ đến mức không ngóc đầu lên nổi.
Mấy năm sau, bà nội qua đời, nhưng trước đó tính tình bà càng ngày càng quái gở và bạo ngược, khiến cả nhà không có ngày nào yên ổn.
Còn em trai tôi cũng chẳng phải đứa ngoan ngoãn gì.
Sau khi lên cấp hai ở trấn, nó bắt đầu học đủ thứ thói hư tật xấu—trốn học, trèo tường, hút thuốc, đánh nhau—trở thành học sinh cá biệt nổi danh cả trường.
Nhìn quanh cả nhà, chỉ có tôi và cô út là sống ổn.
Tôi làm việc ở viện nghiên cứu khá tốt, còn được cử đi du học.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Cô út thì thăng tiến liên tục trong công ty, giờ đã có xe, có nhà, nuôi cả mèo lẫn chó, trở thành một người thành đạt theo tiêu chuẩn thế tục.
Tiếc thay, chúng tôi đều là những “đứa con bất hiếu”, không rảnh bố thí cho nhà họ Vinh một xu nào.
Nghe xong những lời kể khổ, hối lỗi của họ, tôi ném cho họ một chiếc thẻ ngân hàng, bảo họ cứ lấy mà tiêu, rồi phủi tay rời đi.
Sau đó, họ không thể tìm thấy tôi nữa—bởi vì tôi đã ra nước ngoài.
Tệ hơn nữa, họ sẽ sớm phát hiện trong thẻ chỉ có đúng hai tệ.
Coi như tôi mời họ một cây kẹo mút vì đã lặn lội đến tận đây.
Tôi biết hành động này sẽ khiến tôi bị chửi rủa thậm tệ—lạnh lùng, ích kỷ, vô tình, độc ác…
Nhưng nếu hỏi tôi có cảm thấy hối hận không?
Một chút cũng không.
Tôi từng đọc được một câu trên mạng:
“Nỗi nhớ quê là bản anh hùng ca của đàn ông, Còn với phụ nữ, rời đi chính là sử thi khắc sâu vào m.á.u thịt.”
Gió ở quê hương chưa từng nâng đỡ chúng ta, vậy thì chúng ta phải tự mọc cánh, nắm tay nhau bay đi thật xa.
Đây là khúc hoan ca của chúng ta.
Cũng là bản sử thi do chính chúng ta tự viết nên.
Hết.