Con bé có vẻ lơ mơ hiểu.
Tôi nói tiếp: “Còn về cô giáo chủ nhiệm, mẹ không đồng tình với cách làm của cô ấy.”
Con bé rơi nước mắt: “Nhưng cô ấy là giáo viên…”
Tôi chỉnh lại nhận thức cho con: “Giáo viên cũng là con người, mà là người thì sẽ có lúc sai lầm. Chúng ta không thể vì nghề nghiệp mà mặc định cô ấy luôn đúng.”
Con bé lau nước mắt, gật đầu.
Tôi cười, cầm bức tranh trong tay, hỏi con: “Giờ trong lòng con đã ổn hơn chưa?”
“Vâng, con không làm sai, con không cần thấy xấu hổ vì điều này.”
“Thế còn sau này thì sao?”
Tôi hỏi tiếp: “Nếu ở trường lại gặp chuyện như vậy, con sẽ làm gì?”
Con bé suy nghĩ rồi lắc đầu bối rối.
“Lần tới, nếu ai còn làm vậy, con phải dám đứng lên phản kháng.”
—
Con bé lúng túng: “Nhưng mẹ ơi, trước đây con đã phản kháng rồi, nhưng bọn họ chỉ càng quá đáng hơn.”
Tôi lắc đầu, nói với con rằng phản kháng quan trọng nhất là phải cho đối phương biết rõ ranh giới và thái độ của mình. Đối mặt với sự cứng rắn, con chỉ có thể cứng rắn hơn, như vậy bọn họ mới sợ. Nếu chỉ đáp trả một cách lịch sự, chúng sẽ nghĩ con dễ bắt nạt.
“Lần sau, con phải thật to tiếng, nghiêm túc cảnh cáo rằng con không chấp nhận biệt danh đó, và yêu cầu bọn họ xin lỗi con!”
Con gái tôi gật đầu, ánh mắt lại nhìn về bức tranh trong tay tôi: “Mẹ, thật ra con biết ai là người đã vẽ nó.”
Tôi ra hiệu cho con dũng cảm nói ra.
Con bé lưỡng lự một lúc, rồi lên tiếng: “Là lớp trưởng lớp con, Chu Phi Vũ.”
Chu Phi Vũ?
Tôi không xa lạ gì cái tên này.
Buổi họp phụ huynh đầu năm lớp 7, tôi đã gặp cậu ta.
Ngoại hình sáng sủa, ăn nói lễ phép.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, tôi thực sự khó liên tưởng cậu bé học giỏi ấy với người đứng sau bức tranh này.
Có lẽ thấy tôi im lặng, con bé cúi đầu, giọng buồn bã: “Mẹ cũng thấy khó tin đúng không?”
Tôi hít sâu một hơi: “Học giỏi không có nghĩa là nhân cách tốt. Riêng chuyện này, cậu ta đã sai thì phải xin lỗi con nghiêm túc.”
Con bé ngẩng đầu, ánh mắt lóe lên tia sáng.
Tôi bảo con tìm cách liên lạc với Chu Phi Vũ, khuyến khích con dũng cảm đòi lại công bằng.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/ban-be-treu-choc-chan-dung-dang-sau-lop-ao-cua-con-gai-toi/2.html.]
Nhưng khi tin nhắn được gửi đi, cậu ta liền trả lời ngay: [“?”]
[“Trình Trình, cậu nhầm rồi đấy? Sao tớ lại đi vẽ thứ đó cho cậu? Có bằng chứng không? Không có bằng chứng mà vu oan, cậu thấy vui lắm sao?”]
Một loạt dấu chấm hỏi khiến con gái tôi lúng túng.
Con quay sang cầu cứu tôi.
Tôi cố kìm nén cơn giận muốn cướp lấy điện thoại và chất vấn cậu bé, rồi hướng dẫn con gái bình tĩnh chỉ ra bằng chứng.
Con ngập ngừng: “Mẹ, con không có chứng cứ cụ thể, nhưng con chắc chắn đó là Chu Phi Vũ vẽ, vì trước đây tụi con cùng tham gia lớp học vẽ, lúc ấy cậu ta từng vẽ con, nét vẽ và phong cách y hệt bức tranh này.
“Khi lớp kết thúc, cậu ta còn nói thích con…”
Con bé ngượng ngùng cúi thấp đầu hơn: “Nhưng con nghĩ tụi con còn nhỏ, không hợp để yêu đương, nên con đã từ chối. Con không ngờ lại học chung lớp với cậu ta.”
Con bé nghẹn ngào: “Lúc đầu khi mấy bạn nam cười nhạo con, cậu ta còn lén hỏi con có muốn làm bạn gái cậu ta không, để cậu ta bảo vệ con và bắt bọn kia im lặng. Nhưng con không đồng ý, sau đó… cậu ta cũng tham gia cười nhạo, thậm chí còn dẫn đầu.”
Tôi chợt hiểu ra.
Mười ba tuổi, tuổi mới biết yêu, có chút rung động là bình thường.
Nhưng tôi không ngờ chỉ vì con từ chối mà bị trả thù và bắt nạt nặng nề như vậy.
“Mẹ hiểu rồi.”
Tôi nâng khuôn mặt non nớt của con, trong lòng ngập tràn thương xót và lo lắng.
“Giờ con nhắn cho cậu ta rằng con có đủ bằng chứng, yêu cầu cậu ta sáng thứ Hai phải tự mình tìm giáo viên chủ nhiệm, thú nhận mọi việc và xin lỗi công khai trước lớp.”
Con làm theo lời tôi, gửi tin nhắn đi, nhưng lần này bên kia không trả lời.
“Nhưng mẹ ơi,” con bé lo lắng hỏi, “con không có chứng cứ thực sự, mà chữ viết trên tranh cũng bị cậu ta cố tình viết xấu, con làm sao chứng minh đây là tranh của cậu ta?”
“Không cần chứng minh.”
Tôi nhìn con: “Con chỉ cần giữ vững yêu cầu cậu ta phải xin lỗi là được.”
Tin nhắn báo về, Chu Phi Vũ nhắn lại ngắn gọn: [“Cậu nghĩ cô chủ nhiệm sẽ tin sao?”]
Tay con gái tôi run lên.
Rõ ràng con bé không tin tưởng giáo viên chủ nhiệm của mình.
Dựa vào những gì con kể, tôi cũng đoán được phần nào thái độ của cô giáo này khi xử lý mâu thuẫn.
“Con nhắn lại cho cậu ta, nói rằng chuyện cô giáo tin hay không không quan trọng, con chỉ cần cậu ta thừa nhận sai và xin lỗi.”
Thấy ánh mắt con đầy nghi hoặc, tôi trấn an: “Nếu thứ Hai không có lời xin lỗi, mẹ sẽ báo công an.”
Còn bằng chứng, chính bức tranh là bằng chứng tốt nhất.