A KIỀU - Chương 04
Cập nhật lúc: 2024-08-08 11:59:43
Lượt xem: 3,515
Cây trâm này cũng là do Bách Nhi đưa cho Ngọc Già cài chơi thôi, chứ không phải để tặng nàng ta.
Ngọc Già xoa đầu Bách Nhi:
“Bách Nhi ngoan nào, con tặng cây trâm này cho nương đi, được không?”
Bách Nhi trốn sau lưng Ngọc Già, mím môi òa khóc:
“Tại sao phải tặng cho bà ấy?”
“Bà ấy cài cái này không đẹp bằng tiên nữ tỷ tỷ!”
Mạnh Hạc Thư sầm mặt nghiêm nghị khiển trách Bách Nhi, còn Ngọc Già thì tỏ ra như một người mẹ hiền hậu bảo vệ đứa con của mình.
Không hiểu sao.
Ta cảm thấy mình như trở thành một người xấu xa và thừa thãi.
Món ăn trong bếp lại nguội lạnh, ta không có khẩu vị, cũng không có tâm trạng để hâm nóng nữa.
Ta tự nấu cho mình một bát mì.
Có lẽ vì ta khóc đến mức hồ đồ nên đã cho quá nhiều muối.
Một bát mì từ mặn chuyển thành đắng, khiến ta cảm thấy cuộc sống thật khó khăn.
3.
“Phải sống thật tốt nhé! A Kiều tỷ!”
Xuống thuyền, Xuân Sinh khép tay lại, lớn tiếng hét về phía ta.
Ta đứng ở bến thuyền, vẫy tay chào hắn.
Ta muốn đếm xem còn lại bao nhiêu tiền để ta có thể ở trọ.
Mới phát hiện ra hai lạng bạc mà mình đưa cho Xuân Sinh, không biết từ lúc nào lại bị hắn thả vào trong cái giỏ tre.
Thuyền đã đi rồi, ta không đuổi kịp được nữa.
Thôi vậy, đành đợi sau này trả lại hắn.
Ta đi dò hỏi các tửu lâu ở Thanh Châu trong ba ngày, hoặc họ là không thiếu người, hoặc là cứ ép giá.
Có một quán đã gật đầu.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/a-kieu/chuong-04.html.]
Chưởng quỹ nói phải thử việc, bảo ta nấu ăn trong ba ngày.
Không biết là nơi nào mà ăn nhiều đến vậy, riêng cơm hấp đã đủ cho Mạnh gia ăn nửa năm rồi.
Ta không dám lơ là, cả ngày bận rộn đầu tắt mặt tối.
Mỗi lần tên chưởng quỹ đầy râu mép ấy đến, đều gật đầu mỉm cười.
Ta cứ tưởng đã được thông qua.
Ngờ đâu đến ngày thứ ba, tên chưởng quỹ ấy lại trở mặt, ném ta cùng với tay nải ra ngoài cửa:
“Tay nghề của nương tử không tốt, khách ăn xong bị đau bụng, còn bắt bọn ta bồi thường một đống bạc nữa!”
Dù có ngốc đến mấy, ta cũng hiểu mình bị lừa rồi.
Ta không khóc, chỉ lau khoé mắt, nhặt tay nải lên và phủi bụi bẩn trên đó.
Ngày thứ năm, tiền trong người đã hết sạch, ta đứng trước cửa hiệu cầm đồ, định đem cầm cây trâm.
Bỗng một thiếu niên thoạt nhìn như thư sinh gọi ta lại:
“Xin nương tử dừng bước.”
Ta không quen biết y.
“Vài ngày trước, thức ăn đưa đến chỗ thư viện bọn ta có phải do nương tử nấu không?”
“Không phải, vài ngày trước ta nấu cho Khách Vân lâu, chưa từng nấu cho thư viện nào cả.”
“Vậy là đúng rồi, chính thư viện bọn ta đã đặt món ở Khách Vân lâu.”
Ta nhớ lại lời chưởng quỹ nói rằng sau khi khách ăn xong đã bị đau bụng, nên lo lắng hỏi:
“Mọi người ăn vào bị đau bụng ư?”
“Không ai bị đau bụng cả.” Người thư sinh cười nói, “Mọi người cảm thấy món ăn của nương tử nấu rất ngon, sau đó lại đặt thêm hai ngày nữa, nhưng Khách Vân lâu không còn nấu được món ngon như vậy nữa. Hỏi ra mới biết, chưởng quỹ của họ không trung thực.”
Vậy thì sao?
“Thư viện của bọn ta còn thiếu một người quản lý, công việc có hơi vất vả, ngoài nấu ăn còn phải giặt giũ, nhưng sẽ bao ăn bao ở, không biết nương tử đồng ý hay không?”
Đây là thư viện Quan Hạc, một trong những thư viện nổi tiếng nhất Thanh Châu, được bao quanh bởi núi và sông.
Ta không hiểu những chữ viết rồng bay phượng múa trên tấm biển lắm, cũng không ngẫm nghĩ ra được ý nghĩa sâu xa của nó.
Chỉ cảm thấy nếu khai khẩn hai mảnh đất hoang phía sau lớp học thành hai vườn rau thì thật tốt, còn có thể nuôi thêm vài con gà nữa.