TÔI ĐẬU BẮC ĐẠI, MẸ NGẨNG CAO ĐẦU KHIẾN NHÀ NỘI PHẢI KHÓC RÒNG - 1
Cập nhật lúc: 2025-04-04 17:30:32
Lượt xem: 125
Ngày có điểm thi đại học, mẹ tôi gọi ba cuộc điện thoại. Cuộc đầu tiên gọi cho bà nội:
“Nhà họ Tào các người mồ mả tổ tiên nổ tung rồi hả? ... À, chưa nổ? Vậy chắc chắn là bốc khói xanh rồi! Mau ra đó xem đi!”
Cuộc thứ hai gọi cho bố tôi:
“Con gái tôi đậu Bắc Đại rồi, 718 điểm! Còn con trai ông có đậu nổi đại học không? Ồ quên mất, nó đến cấp ba còn chẳng đậu, năm nay chắc tốt nghiệp trường nghề nhỉ? Kiếm được việc chưa? A ha ha ha ha!”
Cuộc thứ ba gọi cho trưởng thôn, bắt ông ta treo 100 băng rôn, dùng loa phát thanh thông báo ba ngày ba đêm, còn bảo mấy hôm nữa sẽ về quê đãi tiệc linh đình ba ngày.
Lúc này đây, tôi nhìn thấy cả chó trong làng cũng có một bàn ăn riêng.
Chụp ảnh, đăng lên vòng bạn bè, tag thằng em tôi.
“Ai nói con gái không bằng con trai?”
—-------
Bố và mẹ tôi đều từ cùng một ngôi làng ra, không có học vấn gì.
Ban đầu làm công nhân dây chuyền hai năm, bố vặn ốc vít, mẹ hàn linh kiện, sau đó ra ngoài làm cửa nhôm kính.
Khách hàng phải tự tìm, dù trời nóng hay lạnh, bố mẹ đều chạy đi công trình, rất cực khổ.
Đó là những năm họ yêu nhau nhất — có mục tiêu, có hy vọng.
Hai người bàn bạc, đợi khi có cửa tiệm riêng rồi mới sinh con.
Vài năm sau, họ dành dụm được ít tiền, mở được một cửa hàng ở khu công nghệ cao, cuối cùng cũng có sự nghiệp riêng.
Mẹ tôi không biết chăm sóc bản thân, vừa ngại che ô vừa tiếc tiền mua kem chống nắng.
Bạn biết đấy, tia UV rất hại da. Người khác 24 tuổi trông như 19, mẹ tôi 24 đã như 30.
Lúc da mặt mẹ tôi được “định tuổi” là 31, bà sinh ra tôi.
Cả nhà đều rất vui.
Ông bà nội còn đặt hơn 100 cái tên để bố mẹ tôi chọn.
Tiếc là… toàn là tên con trai.
Bố tôi thích nhất cái tên Thanh Thư — Tào Thanh Thư.
Ông nói mình không có học thức, muốn sinh một đứa con trai có học vấn.
Chín tháng sau, mẹ tôi sinh ra tôi.
Mặt ông bà nội dài hơn mặt lừa, ở bệnh viện chưa được nửa ngày đã bỏ về.
Trước khi đi còn mang theo cả con gà mang tới.
Bố tôi thì thở dài, đứng hút thuốc ngoài ban công phòng bệnh.
Mẹ kể lại đoạn này, nhiều lần nghẹn lời.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/toi-dau-bac-dai-me-ngang-cao-dau-khien-nha-noi-phai-khoc-rong/1.html.]
Mẹ bảo, đặt tên tôi là Thanh Thư, con gái cũng có thể gọi tên đó.
Nhưng bố tôi không cho.
Mẹ tôi phát hiện có gì đó không ổn ở bố tôi từ khi nào?
Có lẽ là khi ông ấy thường xuyên về nhà rất muộn, thậm chí không về;
Có lẽ là khi bạn bè bố tôi tụ họp, ai cũng dẫn “tình nhân”, chẳng ai dắt vợ chính;
Hoặc là do vợ của những ông chủ vật liệu xây dựng khác khuyên: “Đám đàn ông ấy, không thằng nào tốt”...
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mẹ tôi luôn buồn bã, u sầu.
Bà làm ăn rất giỏi, gặp ai cũng ứng xử khéo léo, lấy lòng khách hàng dễ như chơi.
Nhưng trong hôn nhân, bà lại tự ti mà cũng mạnh mẽ.
Thời gian duy nhất hai người có thể nói chuyện tử tế là khi tính sổ, bàn chuyện kiếm tiền. Ngoài thời gian đó, họ nhìn nhau là chán ghét.
Bố tôi chê mẹ không ra dáng phụ nữ, nói lớn, không dịu dàng, thích tự quyết, mặt già.
Mẹ tôi thì chửi bố là “Trần Thế Mỹ”, lăng nhăng bên ngoài, sớm muộn gì cũng liệt dương.
Mâu thuẫn bùng nổ vào năm tôi 5 tuổi.
Một đêm, tôi sốt cao đột ngột, sốt đến co giật, mà bố thì không có nhà, xe cũng lái đi mất.
Mẹ gọi điện cho ông, muốn ông về đưa tôi đi viện, nhưng ông không bắt máy.
Lúc đó chưa có Didi, đêm hôm muốn đi lại chỉ có thể gọi taxi, mà nơi chúng tôi ở chẳng phải khu trung tâm, đêm xuống vắng hoe, không thể gọi được xe.
Cuối cùng, mẹ gọi cho bạn thân, hai vợ chồng nhà đó đến chở tôi vào viện.
Mẹ vẫn chưa cam lòng, suốt đêm trông tôi vẫn liên tục gọi cho bố.
Nhưng bố tôi như biến mất khỏi thế giới, gọi bao nhiêu cũng chẳng ai bắt máy.
Sáng hôm sau, mẹ hoàn toàn tuyệt vọng, lặng lẽ đặt điện thoại xuống, cầm ví đi mua đồ ăn.
Trớ trêu thay, vừa lúc mẹ đi, điện thoại reo.
Người gọi là bố tôi.
Tôi nhấc máy, còn chưa kịp gọi “bố”, bên kia vang lên giọng nữ, một tràng mắng chửi:
“Một đêm gọi cả trăm cuộc!”
“Dương Phân, mày không có đàn ông là sống không nổi à? Gọi cái gì mà gọi?”
“Chồng mày không bắt máy, mày còn chưa hiểu à? Buông tay sớm đi em, miễn cưỡng chẳng có hạnh phúc đâu!”
Tôi chau mày, dè dặt nói:
“Cô ơi, cháu bị ốm.”